300 nhân viên ở Nhà Trắng vẫn ở lại phụng sự chủ mới

14:40, 20/01/2017
|

(VnMedia) - Trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ, chọn hơn 4.000 thành viên bộ máy quyền lực nhưng ông Trump cũng không thay đổi hơn 300 nhân viên Nhà Trắng phục vụ mình mỗi ngày.

Hôm nay, 20/1, tỷ phú Donald Trump sẽ tuyên thệ, chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và trở thành chủ nhân Nhà Trắng quyền lực nhất nước này.

Dù được quyền chỉ định 4.000 thành viên cho bộ máy quyền lực của mình thông qua việc đề cử các ứng viên vào nội các, nhưng ông Trump không chọn các nhân viên Nhà Trắng, những người mà trong thời gian sắp tới, có thể ông phải chạm mặt hàng ngày.

Một nhân viên Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một bữa tiệc tối. (Ảnh: Getty Images)
Một nhân viên Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một bữa tiệc tối. (Ảnh: Getty Images)

Vô cùng kín tiếng

Có đến hơn 300 nhân viên như vậy ở Nhà Trắng. Họ là quản gia, đầu bếp, bồi phòng, người giữ sân gôn... và làm việc liên tục ở Nhà Trắng hết ngày này qua ngày khác, luôn sẵn sàng có mặt khi có yêu cầu, dù lớn hay nhỏ và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Và không giống nhân viên chính phủ, họ không được thay thế khi Tổng thống mới đến ở tại đây. Một số người đã ở qua rất nhiều thời Tổng thống như quản gia Eugene Allen đã làm từ năm 1952 đến năm 1986 và trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Butler” (tạm dịch: Người quản gia), sản xuất năm 2013.

Đặc trưng của nhóm người này họ họ vô cùng kín tiếng về việc riêng của gia đình Tổng thống mà họ phục vụ.

Trong cuốn sách của  Kate Brower mang tên “The Residence: Inside the Private World of the White House” (tạm dịch: Người cư trú: Bên trong thế giới riêng ở Nhà Trắng), Brower đã phỏng vấn hơn 100 nhân viên cũ của Nhà Trắng, cố gắng khai thác về những bí mật bên trong đó. Nhưng bà phải khẳng định rằng có một nguyên tắc bất thành văn là họ không bao giờ nói chi tiết về công việc cũng như những vị chủ nhân của mình như những người khác ở Washington.

Von Everett, quản gia Nhà Trắng đưa khăn lau mặt cho Tổng thống Barack Obama. (Ảnh: Getty Images).
Von Everett, quản gia Nhà Trắng đưa khăn lau mặt cho Tổng thống Barack Obama. (Ảnh: Getty Images).

Công việc khó khăn nhất

Có 96 nhân viên toàn thời gian và 250 nhân viên bán thời gian. Họ làm việc liên tục trong 132 căn phòng tại Nhà Trắng. Một quản lý nhà bếp kỳ cựu nói trong cuốn sách: “Bạn phải làm việc cho cùng 1 người mỗi ngày và không có cuộc sống riêng tư ngoài xã hội”. Điều kiện làm việc của họ là vô cùng khắt khe. Tuy nhiên, có một đặc quyền là Nhà Trắng có giờ làm việc linh động khi họ có quyền chọn bất kỳ 85 giờ nào trong tuần để làm việc, ông này tiết lộ.

Tuy nhiên, họ phải toàn tâm toàn ý phục vụ cho các gia đình ở trong Nhà Trắng cho dù trước đó họ bầu cho ai đi chăng nữa.

Hillary Clinton, khi còn là Đệ nhất phu nhân, với các đầu bếp bậc thầy về bánh Franette McCulloch và Roland Mesnier. (Ảnh: AP)
Hillary Clinton, khi còn là Đệ nhất phu nhân, với các đầu bếp bậc thầy về bánh Franette McCulloch và Roland Mesnier. (Ảnh: AP)

Công việc khó khăn nhất của họ là sau những nhiệm kỳ Tổng thống họ phải chuyển từ những chủ nhân này sang chủ nhân khác. Sau lễ nhậm chức, đến trưa ngày 20/1 (giữa đêm 20/1), ông Barack Obama và bà Michelle Obama sẽ rời khỏi Nhà Trắng.

Từ tháng 4, khi cuộc tranh cử bắt đầu, một số nhân viên Nhà Trắng đã lo lắng về số phận công việc của họ nếu ông Trump đắc cử. Cựu đầu bếp bánh ngọt hàng đầu Roland Mesnier nói rằng ông sẽ lo lắng nếu ông vẫn còn làm việc ở đó. Ông nói: “Nếu Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, tôi nghĩ rằng sẽ phải thay đổi rất nhiều”.

Khi ông Charles Brotman, xướng ngôn viên kỳ cựu từng làm việc cho 11 đời Tổng thống bị thay thế tại lễ diễu hành của ông Trump thì những nhân viên Nhà Trắng cũng lo lắng họ sẽ bị sa thải. Tuy nhiên, đến bây giờ, ông Trump vẫn chưa hề có động thái sẽ cho nghỉ việc hơn 300 nhân viên tại căn nhà mới của ông.


Ý kiến bạn đọc