EU run rẩy trước đòn giáng bất ngờ từ Italia

08:19, 18/12/2016
|

(VnMedia) - Sau cơn địa chấn Brexit, Liên minh Châu Âu (EU) vừa phải hứng chịu thêm một đòn giáng choáng váng nữa từ cuộc trưng cầu dân ý ở Italia.

Thủ tướng Matteo Renzi
Thủ tướng Matteo Renzi

Hôm 4/12, cử tri Italia đã đi bỏ phiếu để quyết định về việc liệu họ có muốn sửa đổi hiến pháp theo hướng gia tăng quyền lực cho Hạ viện và giảm đáng kể quyền lực của Thượng viện. Khi đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này, Thủ tướng Matteo Renzi đã giải thích rằng, ông muốn thay đổi hiến pháp nhằm giảm bớt những quan liêu, phá vỡ thế bế tắc trong hệ thống chính trị của Rome và từ đó mở đường cho Italia thực hiện các cuộc cải cách cần thiết. Bất chấp những dự đoán đầy bi quan trước cuộc trưng cầu dân ý, ông Renzi vẫn tự tin đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào nó.

Và Thủ tướng Renzi đã không thể tạo ra được một điều kỳ diệu như mong muốn. Cuộc trưng cầu dân ý mà ông đề xuất đã thất bại khi có đến gần 60% người dân Italia nói “không” với cải tổ hiến pháp. Đáng chú ý là con số cử tri đi bỏ phiếu lên đến gần 70%, tỷ lệ tham gia cao nhất ở Ý kể từ hơn hai thập niên trở lại đây. Điều này cho thấy cử tri Italia thực sự quan tâm đến cuộc trưng cầu dân ý lần này và thực sự muốn thể hiện quan điểm của họ. Vậy cử tri Italia thực sự muốn thể hiện quan điểm gì ở đây? Giới phân tích tin rằng, ngoài việc nói “không” với cải tổ hiến pháp, cử tri Italia còn muốn bày tỏ thái độ với chính phủ của Thủ tướng Renzi.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Italia tuy là về vấn đề cải tổ hiến pháp nhưng nó được xem như là cuộc “đánh giá” của người dân đối với gần 3 năm cầm quyền của Thủ tướng Renzi. Kết quả của cuộc trưng cầu dây ý cho thấy cử tri Italia không hài lòng với chính quyền của Thủ tướng Renzi. Ông Renzi được cho là đã thất bại trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đang rơi vào trì trệ của Italia và giải quyết tình trạng thất nghiệp ở nước này.

Như đã cam kết từ trước, sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Renzi đã tuyên bố từ chức và khẳng định ông chịu trách nhiệm về kết quả cuộc trưng cầu dân ý thất bại mà ông đề xuất. "Tôi đã thua và người mất việc là tôi," Thủ tướng Matteo Renzi phát biểu đêm ngày 4/12.

Hậu quả rõ ràng nhất và ngay trước mắt nhất từ cuộc trưng cầu dân ý thất bại nói trên ở Italia chính là sự sụp đổ của chính quyền ông Renzi. Tuy nhiên, xa hơn nữa, kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ để lại những hệ lụy lâu dài cho đất nước Italia, mở ra một thời kỳ bất ổn cả về chính trị và kinh tế.

Về chính trị, ông Renzi và những người ủng hộ ông sẽ không chấp nhận một sự thất bại nhanh chóng như vậy và họ sẽ còn tiếp tục cuộc đấu tranh trên chính trường Italia. 0goài ra, thất bại của cuộc trưng cầu dân ý đã mở đường cho các đảng phái đối lập ở Italia nổi lên, đặc biệt là Đảng Phong trào Năm Sao. Mục tiêu trước mắt của Đảng Phong trào Năm Sao trước mắt là giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới ở Italia.

Nền kinh tế của Italia cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc trưng cầu dân ý thất bại hôm 4/12. Thủ tướng Renzi là người ủng hộ cải cách và đang thực hiện một loạt cuộc cải cách nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Italia. Với sự ra đi của ông, các cuộc cải cách đó nhiều khả năng sẽ bị dừng lại và diễn biến này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Đáng lo ngại hơn là việc người dân Italia nói không với cải cách hiến pháp đồng nghĩa với tình trạng bế tắc, đấu đá nhau trong Quốc hội Italia sẽ được duy trì như trong bao nhiêu thập kỷ nay và nó sẽ tiếp tục là chướng ngại vật ngăn cản những nỗ lực thông qua những cải cách mà Italia rất cần để có thể đưa họ thoát ra khỏi sự trì trệ hiện nay.

Cuộc trưng cầu dân ý của Italia có tác động không chỉ trong nội bộ nước này mà còn xa hơn nữa là đến cả tương lai của Liên minh Châu Âu (EU). Không phải vô cớ mà EU theo dõi sát sao và đầy lo lắng diễn biến của cuộc trưng cầu dân ý này.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Italia là một đòn giáng choáng váng mà EU phải đón nhận trong năm nay sau cơn địa chấn Brexit và sau sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Lý do là việc người dân Italia nói không với cải tổ hiến pháp là minh chứng cho thấy xu hướng dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu và xu hướng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của EU. Phong trào dân túy ở các nước luôn phản đối sự tồn tại của EU. Ở Italia, sự ra đi của Thủ tướng Renzi có thể sẽ mở đường cho Đảng Phong trào Năm sao (M5S) theo đường lối dân túy lên cầm quyền ở Italia. Đảng này từ lâu đã liên tục lên tiếng đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Italia rời khỏi khu vực đồng euro. Một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có thể là khởi đầu cho một sự tan rã của EU.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc