Hết kiên nhẫn, Nga "điểm huyệt" Mỹ bằng hai vũ khí mạnh nhất

11:32, 22/11/2016
|

(VnMedia) - Để đối phó với mối đe dọa từ các tên lửa hành trình của Mỹ có thể được phóng đi từ Đông Âu, Nga sẽ buộc phải triển khai những tên lửa đạn đạo của riêng mình ở khu vực cận tây, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga vừa cảnh báo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Một trong những lý do tại sao Nga phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ABM ở Châu Âu là do mối quan ngại trước viễn cảnh lá chắn đó có thể nhanh chóng được chuyển thành một hệ thống tấn công, cụ thể là có thể phóng các tên lửa hành trình”, Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov – người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc phòng Thượng viện Nga, cho tờ Ria Novosi biết.

Ông Ozerov đang nói đến hệ thống đánh chặn tên lửa mà Mỹ triển khai ở Ba Lan và Rumani với lý do được Washington tuyên bố là nhằm để bảo vệ Châu Âu khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa. Moscow phản đối quyết liệt kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu, nói rằng điều đó làm nguy hại đến an ninh quốc gia của Nga

Moscow tin rằng, nếu khủng hoảng xảy ra, Mỹ có thể sử dụng hệ thống lá chắn tên lửa để bắn đi những tên lửa Tomahawks vào lãnh thổ của Nga.

“Để đối phó với điều đó, chúng tôi sẽ buộc phải tăng cường hệ thống phòng không theo hướng triển khai thêm các lực lượng để bảo vệ những cơ sở hạ tầng quân sự và các trụ sở chỉ huy. Kế hoạch đó bao gồm việc triển khai các hệ thống S-400 và Iskander ở Kaliningrad cũng như thiết lập các đơn vị mới ở Quân khu phía Tây và Quân khu phía Nam. Ngoài ra, các đơn vị xe tăng và cơ giới sẽ được trang bị hàng loạt vũ khí phòng không, không quân”, ông Ozerov tiết lộ.

Những phát biểu trên cho thấy, Nga đang mất dần kiên nhẫn với Mỹ trong vấn đề lá chắn tên lửa và sẵn sàng tung ra hai vũ khí mạnh nhất của mình để “khóa chặt” hệ thống phòng thủ của đối thủ.

Giới lãnh đạo Nga nhiều lần đã thể hiện thái độ kiên quyết và cứng rắn trong việc đối đầu với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Trong khi đó, Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga. Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả. Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc