Putin lại đi nước cờ lợi hại, khiến Mỹ "toát mồ hôi"

09:55, 17/10/2016
|

(VnMedia) - Hôm 10/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương sau tiến trình hàn gắn thành công ban đầu. Chuyến thăm này được xem là một nước cờ khôn ngoan của ông Putin trong bối cảnh Nga đang bị gây sức ép mạnh mẽ trên chiến trường Syria.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan tỏ ra rất thân thiết với nhau
Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan tỏ ra rất thân thiết với nhau

Sự kiện ông Putin có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một bước ngoặt mà không ai có thể tưởng tượng được trong quan hệ giữa Moscow và Ankara sau khi hai bên đã rơi vào một “trận sóng gió” chưa từng có trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Đang ở thế đối đầu gay gắt, hai nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bỗng chốc “quay ngoắt thái độ”, tìm về làm thân với nhau và tốc độ khôi phục quan hệ song phương giữa hai nước được đánh giá là đang nhanh hơn mong đợi rất nhiều.

Vì sao Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cần nhau?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng có mối quan hệ thân thiết, gắn bó, đặc biệt kể từ sau khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000 và ông Recep Tayyip Erdogan trở thành Tổng thống vào năm 2003. Hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan khá giống nhau về tính cách cũng như lập trường, quan điểm chính trị. Với nền tảng không chỉ dựa vào mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo mà còn dựa trên lợi ích to lớn mà hai bên được hưởng từ mối quan hệ này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại và năng lượng quan trọng hàng đầu của nhau.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu có diễn biến xấu sau khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria. Trước đó, Ankara đã không hài lòng với việc Moscow ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại quyết liệt theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền này. Việc Nga đưa quân vào Syria thể hiện quyết tâm bảo vệ đồng minh Assad và điều này đã khoét sâu mâu thuẫn giữa họ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự cố tạo ra bước ngoặt trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ chính là vụ việc một chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở biên giới Syria hôm 24/11/2015. Đây chính là “mồi lửa” đốt cháy thành quả bao nhiêu năm nỗ lực gây dựng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự thách thức cao độ với Nga và đáp lại Moscow không ngại ngần tung ra những biện pháp trừng phạt gây tổn thất nặng nề cho đối tác quan trọng của mình.

Quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tưởng chừng đã rơi xuống vực và không thể cứu vãn thì vào một ngày tháng 6/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bất ngờ viết thư xin lỗi người đồng cấp Putin về vụ bắn hạ máy bay Su-24 dù trước đó ông này khăng khăng bác bỏ một hành động xuống nước như vậy. Tất nhiên, Nga cũng không bỏ qua cơ hội này bởi bản thân Moscow hiểu rất rõ họ cần Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần họ.

Năm 2016 chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với rất nhiều thách thức về chính trị, an ninh và kinh tế. Về chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với một cuộc đảo chính. Về an ninh, vấn đề người Kurd ở Syria đang gây đau đầu cho giới lãnh đạo ở Ankara. Trong khi đó, về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trừng phạt của Nga. Ngoài ra, sau cuộc đảo chính, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang trở nên căng thẳng. Thậm chí, Ankara còn cáo buộc Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính. Trong bối cảnh như vậy, việc chính quyền Tổng thống Erdogan tìm đường quay lại với Nga được cho là điều dễ hiểu và cũng là nước cờ khôn ngoan.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cũng đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ trên chiến trường Syria. Nga muốn tranh thủ khoét sâu mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh Mỹ. Hơn nữa, Moscow rất cần Ankara để khôi phục lại dự án đường ống dẫn khí đốt đầy tham vọng nhằm thay thế cho hệ thống đường ống dẫn khí đốt đi qua Ukraine.

Mỹ đứng ngồi không yên

Thực ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động tiến trình làm lành từ hồi tháng 8 bằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan tại thành phố St. Petersburg của Nga. Tuy nhiên, chuyến thăm lần này của ông Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ mới là chuyến đi để hai bên bằng đầu thực hiện những bước đi cụ thể nhằm đưa quan hệ song phương trở về quỹ đạo cũ - một quỹ đạo mà ở đó sự hợp tác về kinh tế, thương mại và năng lượng được phát triển mạnh mẽ. Và từ quỹ đạo này, Moscow mới hy vọng có thể lôi kéo Ankara vào những mục tiêu chính trị của riêng họ ở khu vực Trung Đông.

Những nỗ lực của ông Putin đã được đền đáp khi trong chuyến thăm của mình, ông cùng với Tổng thống Erdogan chứng kiến lễ ký thỏa thuận hồi sinh lại Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ thay thế cho Dự án Dòng chảy Phương Nam. Theo đó, 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Biển Đen sẽ được xây dựng với một nhánh phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ và nhánh kia nối đến thị trường Châu Âu. Với dự án này, Nga không chỉ cung cấp được khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ mà cho cả các khách  hàng ở Châu Âu mà không cần phụ thuộc vào hệ thống đường ống trung chuyển ở Ukraine trong bối cảnh Moscow và Kiev đang đối đầu căng thẳng. Moscow cũng chấp nhận cung cấp khí đốt giảm giá cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow và Ankara còn nhất trí khởi động lại tiến trình xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu cho Thổ Nhĩ Kỳ sau một thời gian bị đình trệ vì khủng hoảng. Nga cũng bắt đầu gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với người đồng cấp Putin, Tổng thống Erdogan vui mừng cho biết: "Tôi tin tưởng cao rằng, tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhanh chóng” nhằm hướng tới một sự bình thường hóa hoàn toàn.

Bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ lo ngại về viễn cảnh họ sẽ mất đi một trong những đồng minh quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến ở Syria và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, Ankara sẽ không dại gì đánh đổi quan hệ với phương Tây. Thay vào đó, Ankara sẽ phát triển quan hệ với cả Nga và phương Tây để đạt được lợi ích cao nhất đồng thời dùng quan hệ với Nga để làm “lá bài” mặc cả với Mỹ trong vấn đề người Kurd ở Syria cũng như trong vấn đề dẫn độ giáo sĩ Gulen – người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau giật dây cuộc đảo chính cách đây không lâu.

Mặc dù vậy, giới phân tích tin rằng, phương Tây vẫn nên để tâm đến việc giải quyết các mối quan ngại chính của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không muốn để nước này ngả hoàn toàn về phía Nga.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc