Nga tím mặt vì sự khiêu khích của NATO

09:52, 26/10/2016
|

(VnMedia) - Khi Na-uy chuẩn bị cho phép các binh sĩ nước ngoài lần đầu tiên có mặt trên đất của họ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, NATO cũng sẽ có cuộc gặp ở Brussels trong ngày hôm nay (26/10) để thảo luận về các kế hoạch nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Đây là sự răn đe đáng tin cậy”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (25/10) đã phát biểu như vậy trên tờ Stars & Stripes. "Đó là những bằng chứng cụ thể về việc NATO có thể và sẽ triển khai hàng nghìn binh lính để ủng hộ, hậu thuẫn cho các đồng minh của chúng tôi. Và đó là một minh chứng rõ ràng cho mối dây liên kết chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương”, ông Stoltenberg nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO sẽ bàn thảo kế hoạch duy trì lực lượng luân phiên ở các nước Baltic và Ba Lan như một phần của nỗ lực ngăn chặn cái mà họ gọi là nguy cơ “xâm lược từ Nga”.

Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Na-uy lần đầu tiên đồng ý cho phép 330 lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai đến căn cứ quân sự Vaernes của họ - nơi cách biên giới Nga-Na-uy hơn 900km.

"Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi và chúng tôi có mối quan hệ song phương gần gũi mà chúng tôi mong muốn phát triển. Việc bảo vệ Na-uy phụ thuộc vào sự sắp xếp của liên minh và điều đó có tầm quan trọng sống còn đến an ninh của Na-uy", Bộ trưởng Quốc phòng Na-uy Ine Eriksen cho biết trong một tuyên bố.

Hành động của Na-uy là nhằm để đối phó với Nga. Nhiều nước láng giềng của Nga đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang cũng như tăng cường sức mạnh hiện diện quân sự của mình để đối phó với mối đe dọa mang tên Nga. Mỹ và phương Tây bị Moscow cáo buộc là đang tìm mọi cách thổi phồng về cái gọi là mối đe dọa từ Nga để lôi kéo các nước trong khu vực chống lại Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc