Nga "điếng người" vì lời tố cáo gây sốc của láng giềng

11:47, 01/10/2016
|

(VnMedia) - Trong một bức thư gửi đến diễn đàn CEPA ở thủ đô Washington DC, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz đã cáo buộc Nga tạo ra và hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz

Theo kế hoạch dự kiến, ông Antoni Macierewicz sẽ là diễn giả chính tại lễ khai mạc Diễn đàn thường niên lần thứ 8 của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) ở thủ đô Washington DC của Mỹ hôm 29/9. Tuy nhiên, ông Macierewicz đã hủy chuyến đi vì cuộc họp của chính phủ ở Warsaw. Mặc dù vậy, ông này vẫn được phép trình bày bài phát biểu của mình dưới hình thức một bức thức do trợ lý của ông này đọc tại diễn đàn.

Trong bức thư đó, ông Macierewicz đã cáo buộc rằng, những nguyện vọng dân chủ ở Ukraine phải đối mặt với “sự can thiệp thô bạo” của Nga năm 2014 và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan miêu tả đó là một “sự đụng độ giữa các nền văn minh”.

Bộ trưởng Macierewicz còn liên hệ việc Liên Xô ủng hộ các phong trào xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu trong thời Chiến tranh Lạnh với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thời hiện đại.

Ông Macierewicz viết: “Chúng ta nên tự hỏi chính mình... một câu hỏi: liệu có khả năng Nga đang gây ảnh hưởng và thậm chí là đã tạo ra chủ nghĩa khủng bố hay phong trào thành chiến Hồi giáo cực đoan của thời đại hiện nay hay không. Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể là nền tảng để nền văn minh của chúng ta tồn tại”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Macierewicz đưa ra những lời tố cáo gây sốc về nước láng giềng Nga. Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cáo buộc Nga thực hiện chính sách “can thiệp” bằng việc sử dụng một số lượng lớn máy bay không người lái. Trước đó nữa hồi tháng Ba, ông Macierewicz cáo buộc Nga là thủ phạm gây ra vụ rơi máy bay Ba Lan năm 2010, khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng nhiều quan chức cấp cao của nước này thiệt mạng.

Bộ trưởng Macierewicz cũng không phải là vị quan chức Ba Lan đầu tiên có lập trường, quan điểm thù địch với Nga.

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.

Trong hơn một năm qua, Ba Lan liên tiếp có những hành động khiến Nga nổi giận đùng đùng, tung ra những cảnh báo sắc lạnh nhất. Hôm 18/9/2015, Moscow đã vô cùng phẫn nộ, lên tiếng đe dọa sẽ bắt Ba Lan phải hứng chịu “những hậu quả nghiêm trọng nhất” cho việc phá bỏ tượng đài tưởng niệm một vị tướng của Liên Xô thời Chiến tranh Thế giới thứ II.

Tiếp đó, vào ngày 23/9/2015, người ta đã phát hiện 57 ngôi mộ của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô bị phá hoại một cách cố ý tại một nghĩa trang ở Milejczyce, phía đông bắc Ba Lan.

Khỏi phải nói Nga đã tức giận đến mức nào. Bộ Ngoại giao Nga gay gắt lên án, “người ta có cảm giác hành động báng bổ, mạo phạm những nơi tưởng niệm tôn nghiêm như thế đã được nâng lên thành cấp chính sách quốc gia của Ba Lan”.

Tất cả những diễn biến trên cùng những phát biểu của giới chức Ba Lan trong thời gian qua đã phơi bày một thực tế rằng quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ba Lan đã sứt mẻ một cách nghiêm trọng và rất khó phục hồi khi mà Warsaw quyết liệt theo đuổi chính sách chống Moscow.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc