Triều Tiên nổ hạt nhân mạnh chưa từng có, Hàn Quốc họp khẩn

11:23, 09/09/2016
|

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vừa cho biết, họ xác nhận cơn địa chấn mạnh 5.3 độ richter xảy ra sáng nay (9/9) ở Triều Tiên là một vụ thử hạt nhân và khẳng định, đây là vụ thử hạt nhân có sức nổ lên tới 10kiloton, mạnh nhất từ trước đến nay.

Trước bối cảnh đáng lo ngại đó, Hàn Quốc đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục thách thức cả thế giới
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục thách thức cả thế giới

“Dựa vào những phân tích ban đầu, chúng tôi kết luận, Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử hạt nhân”, một đại diện của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho hãng tin Yonhap biết như vậy.

Cũng dựa vào đánh giá của quân đội Hàn Quốc, sức nổ của vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng lên tới 10 kiloton.

Các trạm giám sát phóng xạ ở vùng Viễn Đông Nga cho đến thời điểm này chưa phát hiện mức độ phóng xạ quá mức. Khu vực Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân là ở giáp bờ biển đông bắc của bán đảo Triều Tiên.

"Các hệ thống kiểm soát phóng xạ không ghi nhận trường hợp phóng xạ quá mức nào trong môi trường”, một phát ngôn viên của Bộ Các Tình trạng khẩn cấp của Nga ở vùng Viễn Đông cho biết.

Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng gửi văn bản phản đối chính thức đối với hành động của Triều Tiên. Văn bản này đã được chuyển đến Bình Nhưỡng thông qua các kênh ngoại giao Trung Quốc, hãng tin Kyodo đưa tin.

Về phía Mỹ, Washington cho hay, nước này đang liên hệ trực tiếp với các đồng minh trong khu vực để giám sát tình hình sau vụ nổ được cho là thử hạt nhân nói trên.

"Chúng tôi đã biết về cơn địa chấn trên bán đảo Triều Tiên ở gần khu thử hạt nhân nổi tiếng của Bình Nhưỡng. Chúng tôi đang giám sát và tiếp tục đánh giá tình hình với sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác trong khu vực”, ông Ned Price – Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cho biết.

Tâm chấn của vụ nổ nằm sát thị trấn Sungjibaegam. Đây là nơi có Khu thử Hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Hồi tháng 1, Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới - vụ thử hạt nhân thứ 4 trong lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Vụ thử này cũng diễn ra tại Khu thử Hạt nhân Punggye-ri và khi đó người ta ghi nhận một cơn dư chấn mạnh 5,1 richter. Tiếp sau vụ thử hạt nhân thứ 4, trong những tháng sau đó, Triều Tiên còn liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa, khiến khu vực bán đảo Triều Tiên “không một ngày nào được yên”.

Vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng dường như là vụ thử mạnh nhất trong lịch sử chương trình hạt nhân của nước này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay. Theo con số cung cấp của cơ quan này, vụ thử hồi tháng 1 của Triều Tiên có sức nổ 6 kiloton. Các vụ thử trước đó lần lượt có sức nổ là 6-9 kiloton vào năm 2013, 2-4 kiloton vào năm 2009 và 1 kiloton vào năm 2006.

Sau vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng Một đầu năm nay, Triều Tiên đã phải hứng chịu những đòn trừng phạt mới, hà khắc nhất từ trước đến nay của Liên Hợp Quốc nhằm vào họ.

Tuy nhiên, rõ ràng, những đòn trừng phạt nói trên đã không ngăn được chính phủ Triều Tiên ngày một tiến mạnh và tiến sâu trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Diễn biến này đã gây quan ngại thực sự cho Mỹ và Hàn Quốc. Hiện hai nước này chưa đưa ra phản ứng gì về động thái đầy thách thức của Triều Tiên nhưng Seoul được cho là đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp.

Hàn Quốc cũng nhanh chóng tiến hành thảo luận, tham vấn với Mỹ và Nhật Bản về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. "Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, người tháp tùng Tổng thống Park Geun-hye trong chuyến công du đến Lào, đang có những cuộc trao đổi tham vấn với các đồng minh thân thiết”, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ với hãng tin Yonhap đồng thời cho biết thêm rằng, ông Byung-se is sẽ điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumoi Kishida.

Trước đó, các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã “lo lắng phát sốt” trước tin Bình Nhưỡng đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên tên lửa.

Trong khi Mỹ và các đồng minh cảnh báo các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đe dọa sự ổn định toàn cầu thì Bình Nhưỡng lập luận rằng, họ đang gặp nguy hiểm trực tiếp và vì vậy cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc