Tàu chiến, tàu ngầm Nga, Trung rầm rập kéo ra Biển Đông

07:15, 12/09/2016
|

(VnMedia) - Nga và Trung Quốc đã đưa một loạt tàu khu trục, tàu ngầm cùng với chiến đấu cơ và trực thăng ra Biển Đông để thực hiện một cuộc tập trận lớn, khiến tình hình căng thẳng ở điểm nóng này tiếp tục leo thang một cách đáng lo ngại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc tập trận Nga - Trung ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang leo cao, khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cùng nhiều nước khác gây sức ép đòi Trung Quốc phải thực hiện phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague. Phán quyết này bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài tới tận 8 ngày ở Biển Đông, gần tỉnh Guangdong. Cuộc tập trận này được khai hỏa trong ngày hôm nay (12/9), tuyên bố của Hải quân Trung Quốc cho hay.

Cuộc tập trận quân sự rầm rộ mang tên "Joint Sea-2016" sẽ có sự tham gia của các tàu khu trục, tàu ngầm, chiến đấu cơ, trực thăng và lực lượng lính thủy đánh bộ, website chính thức của Hải quân Trung Quốc cho biết. Hai nước Nga, Trung sẽ thực hành các bài tập phòng thủ, giải cứu, chiến dịch chống tàu ngầm và cả chiếm đảo.

Ngoài ra, lính thủy đánh bộ Nga, Trung còn tham gia các bài tập bắn đạn thật, đổ bộ và phòng thủ trong cái gọi là chiến dịch quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay của Hải quân hai nước.

Trung Quốc đang tức giận và đang ra sức chống lại phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PAC) về vấn đề Biển Đông.

Chiều 12/7, PAC chính thức tuyên bố, “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong khu vực biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’”. PAC khẳng định, “mặc dù những người đi biển và ngư dân của Trung Quốc cũng giống như của các nước khác từ lâu đã được ghi nhận có lịch sử sử dụng các hòn đảo, quần đảo ở Biển Đông nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng lãnh hải hay các nguồn tài nguyên trong khu vực”. Vì thế, “tòa án kết luận, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên bên trong khu vực biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’”

Trung Quốc đã tức giận tuyên bố không chấp nhận phán quyết này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang phải đối diện với sức ép quốc tế rất lớn đòi nước này phải thực thi phán quyết của tòa án.

Kiệt Linh (theo Sputnik)


Ý kiến bạn đọc