Siêu tàu sân bay đắt nhất của Mỹ - thảm họa nổi?

11:07, 20/09/2016
|

(VnMedia) - Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) của Hải quân Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các máy phát điện turbine.

Một bản đánh giá gần đây thậm chí còn nhận định, chiếc tàu chiến đắt nhất của Mỹ - hiện đã trị giá khoảng 12,9 tỉ USD, có thể sẽ trở thành thứ vũ khí lỗi thời ngay cả trước khi nó thực hiện chuyến ra biển đầu tiên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Để tránh tình hình trở nên quá muộn trước khi nhận thức được vấn đề, rõ ràng thời điểm này là quá sớm để đưa vào chiếc tàu quá nhiều công nghệ chưa được kiểm chứng”, ông Frank Kendall - vị quan chức chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc, cho tờ Japan Times biết.

Tuy nhiên, tiết lộ mới cho thấy, những vấn đề liên quan đến hệ thống phát điện có thể khiến chiếc tàu sân bay Ford thậm chí không thể rời cảng.

Một vụ nổ điện đã xảy ra trong máy phát điện turbin chính thứ hai của con tàu hồi tháng Sáu. Trong khi giới chứng Mỹ khăng khăng cho rằng, không có vụ hỏa hoạn nào xảy ra thì vụ việc đó đủ để gây lo ngại với hệ thống máy phát điện turbine của chiếc tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Một tháng sau, một vụ nổ tương tự lại xảy ra ở máy phát điện turbin chính thứ nhất.

Nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay, nguyên nhân của các vụ nổ là do lỗi trong bộ điều tiết điện thế. Chi phí sửa chữa ước tính lên ít nhất 37 triệu USD.

Đây là trục trặc mới nhất trong một loạt những trực trặc khiến kế hoạch bàn giao USS Ford cho Hải quân Mỹ bị trì hoãn.

Sau những trục trặc của dự án chiến đấu cơ đắt đỏ nhất thế giới F-35, Mỹ lại phải đối đầu với những vấn đề liên tiếp trong dự án phát triển tàu sân bay đắt đỏ nhất của mình. Diễn biến này ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của siêu cường quân sự số 1 thế giới.

Siêu tàu sân bay Gerald R. Ford (CVN-78) là chiếc đầu tiên của thế hệ tàu sân bay tiếp theo của Hải quân Mỹ. Tàu được đặt theo tên của cố Tổng thống thứ 38 của Mỹ - ông Gerald Ford.

Tàu Gerald R. Ford được trang bị các hệ thống và công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu hoạt động của các máy bay hiện tại, bao gồm hệ thống phóng máy bay sử dụng máy phóng điện từ, hệ thống vũ khí cải tiến, đường băng dài cho phép tăng tần xuất xuất kích của máy bay lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, con tàu cũng sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến trong tương lai, nâng cao khả năng tự động hóa, giảm yếu tố con người trong quá trình vận hành.

Tàu USS Gerald R. Ford có chiều dài khoảng 340 m, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi hoạt động, chiến hạm này sẽ tiêu tốn chi phí khoảng 12,9 tỷ USD, khiến nó trở thành vũ khí quân sự đắt nhất từ trước đến giờ của Hải quân Mỹ.

Tàu có khả năng chở tới 90 máy bay các loại bao gồm: tiêm kích F-35C, F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2D, máy bay tấn công điện tử EA-18G, trực thăng MH-60R/S và có thể là cả máy bay không người lái trinh sát/chiến đấu. Về hỏa lực vũ khí phòng vệ, USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ trang bị tên lửa phòng không RIM-116 và các tổ hợp pháo phòng không cao tốc Phalanx 20mm.

Con tàu sẽ được vận hành bởi đội ngũ thủy thủ đoàn và phi hành đoàn 4.660 người (ít hơn so với lớp tàu Nimitz). USS Gerald R. Ford (CVN-78) và các tàu anh em của nó sau này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp nước Mỹ giữ được ưu thế vượt trội trên các vùng biển.

USS Gerald R. Ford dự kiến sẽ thay thế cho tàu USS Enterprise. Tàu dự kiến chính thức được đưa vào phục vụ trong biên chế quân đội Mỹ vào năm 2016. Tuy nhiên, với những trục trặc liên tiếp xảy ra, kế hoạch này xem ra khó khả thi.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc