Mỹ, EU bất ngờ song kiếm hợp bích "tấn công" Nga

12:55, 08/09/2016
|

(VnMedia) - Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) mới đây lại bất ngờ tung thêm những đòn trừng phạt nhằm vào Nga, khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây tiếp tục căng thẳng.

Mỹ và EU tiếp tục gây sức ép với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Mỹ và EU tiếp tục gây sức ép với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine

EU hôm qua (7/9) đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Theo đó, lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản có thời hạn đến ngày 15/9 sẽ được gia hạn thêm 6 tháng và sẽ được áp dụng với 150 cá nhân và 37 thực thể bị cáo buộc có liên quan đến vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Những cá nhân Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU gồm một số quan chức, nghị sĩ, các nhà tài phiệt và hai người nổi tiếng công khai ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt của EU cũng nhằm vào tập đoàn chế tạo các hệ thống phòng không – Almaz-Antey và một loạt doanh nghiệp ở Crimea – bán đảo được sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba năm 2014.

Một ngày trước khi EU thông báo mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ cũng có hành động tương tự.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 6/9 đã quyết định mở rộng danh sách trừng phạt các công ty và cá nhân Nga bị cáo buộc có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Danh sách đen của Mỹ bao gồm 75 công ty và 37 cá nhân Nga.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào 18 thực thể đang hoạt động ở Crimea và hàng chục chi nhánh của Gazprom và Ngân hàng Moscow. Danh sách cũng bao gồm 11 quan chức Crimea.

Nga đã ngay lập tức phản ứng với động thái của Mỹ. Điện Kremlin cho rằng, việc Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt Nga không phù hợp với những đề xuất hợp tác trong các vấn đề nhạy cảm mà lãnh đạo hai nước thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Trung Quốc. Điện Kremlin còn thẳng thừng cảnh báo sẽ trả đũa.

Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Tuy nhiên, những bước đi mới nói trên của Mỹ và EU đã khiến cuộc chiến trừng phạt Nga chưa thể dừng lại.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc