Nga được "bênh vực" giữa ma trận bủa vây của NATO

15:43, 11/07/2016
|

(VnMedia) - Khi NATO nhất trí về kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân, lục quân và không quân ở khu vực Biển Đen tại hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan, Bulgari đã một lần nữa lên tiếng kêu gọi liên minh này hãy “hoá giải” căng thẳng với Nga.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Warsaw hồi cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Bulgari Boiko Borissov đã phát biểu rằng, việc tăng cường các hoạt động của NATO ở Biển Đen sẽ dẫn tới phản ứng ngược lại từ Nga.

Trong khi một số nước thành viên NATO như Ba Lan cổ suý cho việc phô trương lực lượng mạnh hơn nhằm răn đe Nga thì Sofia lại không khai phản đối các kế hoạch như vậy của NATO. Thực tế này rõ ràng đã cho thấy sự mâu thuẫn trong nội bộ NATO về cách tiếp cận với Moscow.

“Không có thứ gì được gọi là cuộc chiến tốt đẹp. Một cuộc chiến luôn là điều tồi tệ. Thà có hoà bình xấu còn hơn là một cuộc chiến tranh tốt”, Thủ tướng Bulgari Borissov đã phát biểu như vậy trên tờ Sofia Globe hồi cuối tuần vừa rồi.

Nhà lãnh đạo Bulgari kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hãy làm dịu căng thẳng với Nga thay vì tiếp tục cuộc đối đầu hiện nay - một cuộc đối đầu đang làm tổn thương đến sự phát triển kinh tế của cả khu vực Châu Âu. Bulgaria với tư cách là một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến trừng phạt với Nga.

“Một khu vực không có quân đội, không có tàu ngầm, không có tàu chiến, bởi vì đó là khu vực mà ở đó chúng ta có thể khai thác được khí đốt, ở đó tất cả các nước đều có thể phát triển được du lịch và giao dịch thương mại lớn hơn là điều có thể xảy ra. Tên lửa, tàu chiến và tàu ngầm sẽ mang lại được gì cho hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng Borissov đặt câu hỏi.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Kiệt Linh (theo RT)


Ý kiến bạn đọc