Đồng minh phản bội, Mỹ nhận cái kết đắng?

15:33, 29/07/2016
|

(VnMedia) - Bình luận về kết quả cuộc họp gần đây ở Geneva giữa Nga, Liên Hợp Quốc và Mỹ về viễn cảnh kết thúc cuộc chiến tranh ở Syria, chuyên gia chính trị Nga Vyacheslav Matuzov cho rằng, phần lớn mọi việc giờ đây phụ thuộc vào cuộc gặp sắp tới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu hai nước trên bắt tay nhau, Mỹ và phe nổi dậy Syria có thể sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc gặp gỡ trực tiếp vào đầu tháng tới.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc gặp gỡ trực tiếp vào đầu tháng tới.

“Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dự kiến sẽ đến Moscow trong ngày 9/8 tới. Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, đã có một số thông báo về những dự án kinh tế chung giữa hai nước và việc Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng mở rộng cửa đón các du khách Nga”, ông Matuzov, nhà cựu ngoại giao và cũng là một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Ả-rập, đã cho tờ Izvestiya của Nga biết như vậy.

“Những diễn biến nói trên đồng nghĩa với việc sẽ có những thỏa thuận chính trị nhất định được chuẩn bị”, ông Matuzov nói thêm. Nhà phân tích chính trị Nga giải thích thêm rằng, trước tiên, có thể sẽ có thỏa thuận chính trị liên quan đến việc đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Như vậy, con đường tiếp viện lực lượng và vũ khí cho phe nổi dậy Syria từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cắt đứt.

Ông Matuzov cho rằng, vấn đề trên có thể sẽ được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí với nhau. Nếu biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria bị đóng lại, phe nổi dậy Syria và đồng minh Mỹ sẽ thua trận trong cuộc chiến ở chiến trường này.

Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào tiếp theo về Syria, có thể diễn ra vào cuối tháng 8 ở Geneva, Mỹ và cái gọi là đồng minh của họ sẽ không có cơ sở gì để đưa ra những điều kiện của họ.

Quan điểm trên được chia sẻ bởi Tiến sĩ Bassam Abu Abdallah – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc trường Đại học Damascus. Ông này đã nói rằng, Syria không nên trông chờ vào những cuộc đàm phán ở Syria mà thay vào đó là dựa vào việc nối lại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ủy ban Đàm phán Cấp cao Syria được Riyadh hậu thuẫn chịu ảnh hưởng từ Mỹ cũng như từ các quốc gia Trung Đông. Ủy ban này không hành động vì lợi ích của Syria”, ông Abdallah nhận định.

Trong khi không chờ đợi bất kỳ tiến bộ nào từ các cuộc đàm phán, vị chuyên gia nói trên tin rằng, nỗ lực đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Ankara xem xét lại các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước này.

Mỹ bị cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Erdogan. Washington cũng làm chia rẽ hơn nữa đất nước Syria và tạo ra sự tự trị của người Kurd. Tất cả điều này đối với Ankara là không thể chấp nhận được và vì vậy họ sẽ tìm cách tiến gần hơn với Nga và Iran. Với lý do như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận đóng biên giới với Syria, tạo ra một sự thay đổi rất lớn trong cán cân sức mạnh trên chiến trường.

Đối mặt với viễn cảnh đáng lo ngại, Mỹ được cho là đang “nín thở” theo dõi tình hình phát triển trong mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi mối quan hệ này từng rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì vụ bắn rơi máy bay Su-24.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 của Nga khi chiếc máy bay này đang làm nhiệm vụ tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 24/11/2015. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên trong hơn một nửa thế kỷ bắn rơi một máy bay Nga. Một phi công của Nga đã thiệt mạng trong vụ việc này. Moscow đã vô cùng tức giận trước vụ việc và tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nga nhiều lần đòi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi nhưng Ankara làm kiêu, kiên quyết không chịu nói lời xin lỗi. Chính vì thế, khi Ankara có động thái làm lành, Moscow đã không chấp nhận, tuyên bố sẽ chỉ thay đổi lập trường khi Thổ Nhĩ Kỳ có lời xin lỗi chính thức.

Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây gửi thư xin lỗi và cuộc đảo chính bất thành xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là những “cú hích” lớn khiến quan hệ giữa Ankara và Moscow bất ngờ đảo chiều. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang quay lưng với đồng minh Mỹ và tìm cách quay trở lại với Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc