Indonesia chính thức "nghênh chiến" với Trung Quốc ở Biển Đông?

07:08, 24/06/2016
|

(VnMedia) - Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua (23/6) đã đến thăm quần đảo Natuna ở Biển Đông, tổ chức một cuộc họp nội các hẹp trên đúng chiếc tàu hải quân đã va chạm với các tàu cá Trung Quốc trong khu vực hồi tuần trước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trên tàu hải quân KRI Imam Bonjol
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trên tàu hải quân KRI Imam Bonjol

Chuyến thăm của ông Widodo và cuộc họp nói trên chính là một thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ mà Indonesia muốn gửi đến Bắc Kinh. Theo đó, Indonesia khẳng định quần đảo Natuna, trong đó có vùng lãnh hải xung quanh nó, là một phần lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á”, Tổng thư ký nội các Indonesia - ông Pramono Anung cho các phóng viên biết.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến quần đảo Natuna cùng với Bộ trưởng An ninh, Bộ trưởng Ngư nghiệp, Bộ trưởng Ngoại giao và các tướng lĩnh cùng nhiều quan chức khác.

Indonesia cho biết, tàu hải quân KRI Imam Bonjol của họ được đặt tên theo một người anh hùng dân tộc đã chiến đấu trong một cuộc chiến tranh được truyền từ cảm hứng tôn giáo nhằm chống lại Hà Lan. Tàu KRI Imam Bonjol đã bắn một phát súng cảnh cáo sau khi phát hiện các tàu cá Trung Quốc được cho là đánh bắt cá bất hợp pháp ở xung quanh quần đảo Natuna hồi cuối tuần trước. Không có thương vong xảy ra. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cáo buộc Hải quân Indonesia đã bắn tàu cá của họ và làm bị thương một người.

Tàu chiến Indonesia sau đó còn bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và 7 thủy thủ trên đó. Trong chuyến thăm đến quần đảo Natuna, Tổng thống Widodo Jokowi dự kiến sẽ đến kiểm tra con tàu bị bắt. Đây là lần thứ ba và là lần mới nhất xảy ra một cuộc đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Indonesia. Hai lần trước đó xảy ra vào ngày 19/3 và 27/5, đều ở ngoài khơi quần đảo Natuna.

Ông Pramono đã cho đăng tải các hình ảnh về chuyến thăm của Tổng thống Widodo đến Natuna và một bức ảnh chụp dòng viết tay của Tổng thống trên cuốn sổ lưu niệm của tàu hải quân KRI Imam Bonjol: “Canh gác... Bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ nước Cộng hòa Indonesia”.

Trong tuyên bố được phát đi hôm Chủ nhật tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ nói rằng vùng lãnh hải Natuna “là ngư trường đánh cá truyền thống của Trung Quốc” như đã từng trong quá khứ mà còn lần đầu tiên tuyên bố khu vực này là “nơi mà Trung Quốc và Indonesia có sự chồng lấn về quyền hàng hải và lợi ích hàng hải”.

“Trung Quốc đang có tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei … Dường như là Trung Quốc cũng đang muốn lôi Indonesia vào cuộc tranh chấp này. Chúng tôi không muốn điều đó”, một nhà ngoại giao cấp cao và cũng là một chuyên gia hàng hải quốc tế - ông Hasjim Djalal đã nói như vậy. Ông này vừa được Jakarta bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một nhóm đặc biệt nhằm nghiên cứu về cách thức làm thế nào ngăn chặn các hành động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc.

Mặc dù Jakarta phản đối đường 9 đoạn của Bắc Kinh vì nó chồng lấn lên vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna của nước này, nhưng cường quốc Đông Nam Á không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông - một cuộc tranh chấp đang gây chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc với một loạt các quốc gia láng giềng.

Tổng thống Widodo đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng đòi Indonesia phải từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2009, Indonesia đã gửi văn bản thể hiện lập trường chính thức của mình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về việc phân định ranh giới thềm lục địa, nói rằng đường 9 đoạn không có cơ sở theo bất kỳ luật pháp quốc tế nào.

Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở đây mang theo nguy cơ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào, và có thể leo thang thành xung đột.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc