EU "vỡ trận", Pháp quay sang "nịnh" Nga

17:13, 30/06/2016
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh EU dường như "vỡ trận" trước cú địa chấn lịch sử mang tên Brexit (Anh đòi rời EU), Pháp đã thể hiện sự nóng lòng muốn quay lại khôi phục quan hệ với Nga – một trong những đối tác thương mại, năng lượng hàng đầu của Châu Âu.

Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt Nga
Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt Nga

Các biện pháp trừng phạt Nga nên được dỡ bỏ càng sớm càng tốt, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault hôm qua (29/6) đã phát biểu như vậy sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp vẫn nhấn mạnh, thực thi thoả thuận Minsk là yếu tố then chốt của tiến trình này.

“Các biện pháp trừng phạt bản thân nó không phải là mục đích”, ông Jean-Marc Ayrault phát biểu ở thủ đô Paris, đồng thời nói thêm rằng, Paris trông ngóng viễn cảnh chính sách trừng phạt Moscow được huỷ bỏ.

Tiến trình dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vẫn có liên quan đến các thoả thuận Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, Ngoại trưởng Ayrault khẳng định đồng thời kêu gọi Nga “nên đóng vai trò tích cực” trong việc thực hiện thoả thuận Minsk.

Moscow và Paris đang phối hợp với nhau trong “khuôn khổ Bộ Tứ Normandy”, gồm Nga, Pháp, Ukraine và Đức nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết. “Điều kiện quan trọng nhất của tiến trình đó như đã được quy định trong thoả thuận Minsk và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cuộc đối thoại trực tiếp giữa Kiev và Donbass (từ dùng để chỉ khu vực miền đông Ukraine)”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Nga và EU đang trải qua những tháng ngày khủng hoảng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Mỹ, EU cáo buộc Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine nên đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga. Đáp lại, Moscow cũng có đòn trả đũa.

Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc