Vì sao Obama lại tìm đến với hai người bạn thân nhất?

19:20, 02/05/2016
|

(VnMedia) - Tuần trước, Tổng thống Barack Obama đã có chuyến thăm đến hai nước đồng minh thân thiết nhất và gắn bó nhất của ông trong hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo nước Mỹ của ông này.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel
Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel

Việc ông Obama đầu tư thời gian, công sức và năng lượng của mình vào chuyến thăm hai nước Đức và Anh trong chuyến công du có thể là cuối cùng trên cương vị tổng thống của ông này đã cho thấy tình cảm cũng như sự tin tưởng mà ông chủ Nhà Trắng dành cho hai nhà lãnh đạo David Cameron và Angela Merkel – những người đã cùng sát cánh bên ông trong suốt 8 năm qua, trong những thời khắc mà ông này phải đưa ra các quyết định khó khăn nhất về chính sách kinh tế và đối ngoại.

Tuy nhiên, chuyến thăm cũng cho thấy sự lo ngại của Tổng thống Obama về sự bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu cũng như những ảnh hưởng lan toả từ cuộc xung đột ở Syria. Đây là những ưu tiên mà Tổng thống Obama muốn tập trung vào giải quyết trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào ngày 20/1/2017.

"Mục tiêu của tôi từ giờ đến lúc tôi rời nhiệm sở là làm sao đảm bảo chắc chắn rằng khi tôi bàn giao chìa khoá văn phòng của mình, bàn của tôi sẽ sạch sẽ và nếu thế giới không hoàn toàn gọn gàng, trật tự thì ít nhất cũng phải tốt hơn cách mà tôi thấy nó trước đây”, ông Obama đã phát biểu như vậy trước các phóng viên ở Hanover, Đức.

Những phát biểu của ông Obama cho thấy, ông chủ Nhà Trắng đang quyết tâm thực hiện các mục tiêu cuối cùng trước khi rời nhiệm sở nhằm giúp ông có được những di sản đáng chú ý sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống của nước Mỹ.

Nỗ lực đạt được thoả thuận thương mại tự do Mỹ-Liên minh Châu Âu (EU)

Không phải vô cớ mà Tổng thống Obama chọn sự kiện đến Hannover – một thành phố nhỏ ở phía bắc nước Đức, để tham gia một hội chợ thương mại công nghiệp lớn cùng với nữ Thủ tướng Angela Merkel và có bài phát biểu tại đây. Thực tế, ông Obama muốn nhân sự kiện này để thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Tổng thống Obama đã dành nhiều giờ đồng hồ tại hội chợ thương mại công nghiệp để tham quan các gian hàng và nói về những lợi ích kinh tế của một thoả thuận thương mại tự do Mỹ-EU  - một thoả thuận nếu được ký kết sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế hai bên lên thêm 100 tỷ USD.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Obama muốn hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). TTIP là thoả thuận thứ hai trong hai hiệp định mà ông Obama tin sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế của nước Mỹ. Thoả thuận thứ nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình thúc đẩy TPP đang diễn ra khá suôn sẻ nhưng hiệp định này cần sự phê chuẩn cuối cùng của Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama đang hy vọng mọi thứ sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Đối với TTIP, mọi việc có vẻ diễn ra không mấy thuận lợi. Nỗ lực của ông Obama nhằm hoàn tất quá trình đàm phán giữa Mỹ và EU về TTIP vào cuối năm nay diễn ra trong bối cảnh sự phản đối của người dân hai bên đối với hiệp định này đang gia tăng. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Quỹ Bertelsmann vừa được công bố hôm 21/4 vừa rồi, chỉ có 17% người dân Đức ủng hộ TTIP, giảm mạnh từ tỉ lệ 55% cách đây 2 năm. Ở Mỹ, chỉ 18% người dân tin TTIP là một thoả thuận tốt so với 53% vào năm 2014.

Sự hoài nghi sâu sắc về TTIP của người dân ở Đức – nước có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, ngay từ đầu đã phủ bóng đen lên quá trình đàm phán hiệp định này.

Cuộc khảo sát của Quỹ Bertelsmann cho thấy, nhiều người dân Đức lo ngại, thoả thuận TTIP sẽ làm hạ thấp mức tiêu chuẩn về sản phẩm, về bảo hộ người tiêu dùng cũng như thị trường lao động. Những người phản đối TTIP còn lo sợ hiệp định này sẽ khiến họ mất việc làm, gây ảnh hưởng đến mức sống của họ cũng như làm tổn hại đến môi trường hơn nữa  đồng thời làm nới rộng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, từ đó sẽ đe dọa sự ổn định của thế giới.

Trái lại, những người ủng hộ nói TTIP sẽ giúp hạ thấp rào cản về thuế quan và thương mại, từ đó có lợi cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm mới.

Tại thành phố Hannover, ông Obama đã phải chứng kiến cuộc biểu tình của hàng ngàn người phản đối TTIP. Những người biểu tình đã giương cao khẩu hiệu “Nói không với TTIP”.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Hanover, ông Obama cho biết: “Thời gian đang không ủng hộ chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn tất tiến trình đàm phán TTIP trong năm nay thì những cuộc chuyển giao quyền lực chính trị ở Mỹ và Châu Âu sắp tới đồng nghĩa với việc thoả thuận này sẽ còn vấp phải sự trì hoãn trong thời gian dài”.

Hy vọng để Tổng thống Obama có trong tay di sản lớn về kinh tế là hai hiệp định TTP và TTIP không hề sáng sủa.

Khủng hoảng Syria và những ảnh hưởng lan toả

Tổng thống Obama chắc rằng sẽ không thể hài lòng khi bước chân ra khỏi Nhà Trắng mà không giải quyết ổn thoả được tình hình Syria – một trong những thách thức lớn nhất đối với ông này trên cương vị Tổng thống.

Cuộc xung đột ở Syria và hệ luỵ của nó là cuộc khủng hoảng di cư mà Châu Âu đang phải đối mặt cũng như sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố, cụ thể là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). đang thực sự là bài toán đau đầu đối với ông Obama nói riêng và các nhà lãnh đạo Châu Âu nói chung.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực rất nhiều và đã phải chấp nhận thoả hiệp với Nga về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng thống Obama cũng không có mấy hy vọng để có thể nhận được tin vui từ tiến trình đàm phán hoà bình Syria ở Geneva đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng Syria được dự báo vẫn còn tiếp tục bế tắc khi bạo lực lại leo thang trở lại và các phe phái đối lập ở nước này vẫn không thể tháo được nút thắt quan trọng nhất là tương lai của ông Assad.

Liên quan đến cuộc chiến chống IS, ở Hanover, Tổng thống Obama đã thông báo sẽ đưa thêm 250 binh sĩ Mỹ đến chiến trường Syria. Đây là mức tăng quân lớn nhất mà Mỹ thực hiện kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra. Mục tiêu được ông Obama tuyên bố là nhằm để giúp các lực lượng địa phương giành lợi thế trong cuộc chiến chống IS. Trong khi thông báo tăng quân đến Syria, ông Obama cũng không quên kêu gọi các nước đồng minh đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống IS cũng như tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ các nước này trước chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù thể hiện quyết tâm rất cao trong việc dồn nỗ lực cho cuộc chiến chống IS, Tổng thống Mỹ cũng phải thừa nhận, cuộc chiến này sẽ không thể nhanh chóng kết thúc và nó sẽ còn kéo dài sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Như vậy, ông Obama chỉ có thể hy vọng, từ giờ đến đầu năm sau, Mỹ cùng liên quân của mình sẽ gặt hái thêm những thành công trong cuộc chiến chống IS chứ không mong chờ sẽ kết thúc cuộc chiến này sớm được.

Sẽ là thiếu sót khi không đề cập đến cuộc khủng hoảng nhập cư mà Châu Âu, đặc biệt là Đức phải đối mặt trong thời gian vừa qua. Tổng thống Obama đã không ngần ngại dành “cơn mưa” lời khen tặng cho nữ Thủ tướng Đức Merkel. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, bà Merkel đã “đứng về bên lẽ phải của lịch sử” khi thực hiện chính sách hoan nghênh người nhập cư. Ông Obama miêu tả bà Merkel là một nhà lãnh đạo thực thụ và có đạo đức khi sẵn sàng mở cửa đón chào hơn 1,1 triệu người nhập cư.

Tuy nhiên, những lời khen của ông Obama dành tặng cho Thủ tướng Đức đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đó là những lời nói “trống rỗng, đạo đức giả” bởi Mỹ đã chẳng làm gì khi Đức phải “è cổ” ra gánh gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến II này.

Có thể nói, chuyến thăm Đức cuối cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống không thể được coi là một thành công khi những mục tiêu mong muốn của ông này đều rất khó đạt được và ông cũng phải đối mặt với những giây phút khó xử khi phải chứng kiến cuộc biểu tình chống TTIP và làn sóng chỉ trích về vai trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng nhập cư.

Vân Linh


Ý kiến bạn đọc