Trung Quốc sợ hãi trong "thế trận" của 7 cường quốc?

11:21, 27/05/2016
|

(VnMedia) - 7 cường quốc mạnh nhất thế giới trong nhóm G7 đã thể hiện một lập trường chung thống nhất trong vấn đề tranh chấp hàng hải ở Tây Thái Bình Dương. Diễn biến này khiến Bắc Kinh không khỏi giật mình lo sợ.

Lãnh đạo các nước G7 ở Nhật Bản
Lãnh đạo các nước G7 ở Nhật Bản

Giới lãnh đạo của nhóm nước công nghiệp phát triển G7 hôm qua (26/5) đã nhất trí với nhau về việc cần phải phát đi một thông điệp cứng rắn và rõ ràng về tranh chấp hàng hải ở Tây Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc đang hung hăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với một loạt quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản.

"Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì, dẫn dắt các cuộc bàn thảo về tình hình hiện nay ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các lãnh đạo khác trong nhóm G7 cho rằng, việc G7 phát đi một tín hiệu, một thông điệp rõ ràng là cần thiết”, Phó Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Hiroshige Seko cho các phóng viên biết sau một phiên họp về chính sách đối ngoại.

Trước đó, tại một cuộc họp báo diễn ra tối hôm thứ Tư (25/5), Thủ tướng Abe đã phát biểu, Tokyo hoan nghênh sự nổi lên hoà bình của Trung Quốc nhưng đồng thời phản đối mạnh mẽ những hành động cố tình làm thay đổi thế nguyên trạng. Ông Abe cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp quyền. Cả hai nguyên tắc trên đều được cho là sẽ được đưa vào tuyên bố sau hội nghị thượng định G7.

Mỹ cũng thể hiện sự quan ngại ngày càng sâu sắc về những hành động gần đây của Trung Quốc ở trong khu vực. Tổng thống Barack Obama hôm 25/5 đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết hoà bình các tranh chấp hàng hải. Ông này cũng tái khẳng định rằng, Mỹ đơn giản là chỉ lo ngại về sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời trong khu vực.

Trước đó, Anh và Canada cũng đều lên tiếng thể hiện sự lo ngại về những diễn biến hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh lần đầu tiên có tiếng nói mạnh mẽ chưa từng có trong vấn đề này khi Thủ tướng David Cameroon khẳng định, Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết sắp tới của toà án quốc tế.

Nhóm G7 gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ.

Trung Quốc nổi giận, kêu các nước tránh xa Biển Đông

Sự đồng lòng, nhất trí của các nước G7 nói trên đã khiến Trung Quốc sục sôi tức giận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã gay gắt tuyên bố ở thủ đô Bắc Kinh rằng, vấn đề Biển Đông “chẳng có liên quan gì” đến G7 hay bất kỳ thành viên nào của nhóm này.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước phóng đại tình hình ở Biển Đông vì lợi ích cá nhân”, bà Hua đã nói như vậy.

Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm qua cũng lên tiếng cảnh báo G7 không được “can thiệp” vào tình hình Biển Đông.

Trên thực tế, Trung Quốc đang gây lo ngại không chỉ cho G7 mà cho cả cộng đồng thế giới và đặc biệt là các nước trong khu vực.

Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng Đông Nam Á hết sức lo ngại khi đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào nhiều khu vực vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của các nước khác. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế thúc đẩy các dự án bồi đắp, cải tạo trái phép ở Biển Đông – những dự án có thể phục vụ cho mục đích quân sự.

Những bước đi ngày một quyết liệt, táo tợn của Trung Quốc đã khiến các nước không thể ngồi yên. Họ đã đồng loạt lên tiếng phản đối.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc