Siêu vũ khí chỉ là "hổ giấy", Mỹ không dám ngẩng mặt

09:45, 03/05/2016
|

(VnMedia) - Mỹ có lẽ sẽ tiếp tục phải muối mặt khi danh sách những trục trặc xảy ra với dự án vũ khí siêu đắt đỏ F-35 của họ vẫn chưa chịu dừng lại. Giới chức Lầu Năm Góc hiện tại đang lo ngại rằng, do lỗi phần mềm kết nối nên những vấn đề xảy ra với một chiếc máy bay có thể khiến cho toàn bộ phi đội phải dừng bay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 không còn lạ gì với những tranh cãi và sau khi chi hàng tỉ USD để sửa chữa các hệ thống được xem là cực kỳ quan trọng như động cơ máy bay, vẫn còn một vấn đề lớn khác mà F-35 đang phải đối mặt. Cụ thể, Hệ thống kiểm soát thông tin tự động (ALIS) trên máy bay đang vấp phải những vấn đề mang tính hệ thống. ALIS có nhiệm vụ theo dõi "sức khỏe" của từng bộ phận trong mỗi chiếc tiêm kích F-35. Nó cho phép thực hiện sự đánh giá chính xác, toàn diện về việc cần phải thực hiện hoạt động bảo dưỡng, bảo trì nào, và phần nào của máy bay cần được thay thế hay kiểm tra.

ALIS được Lầu Năm Góc ví như "bộ não" của F-35 bởi nó là một hệ thống phức hợp lớn bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng hỗ trợ bảo trì và sửa chữa gồm các thiết bị điện toán cần thiết nhằm đảm bảo các linh kiện đã được lắp đặt đúng cách trước khi cất cánh. Chính vì thế, vai trò của hệ thống ALIS là vô cùng quan trọng.

Trong khi một kỹ sư trong lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho rằng, quá trình sửa chữa hệ thống ALIS đang đạt được tiến bộ thì chi tiết trong bản báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) lại khiến Lầu Năm Góc lo ngại. Theo đó, phân tích của GAO cho rằng, hệ thống ALIS trên một máy bay bị trục trặc có thể khiến toàn bộ phi đội F-35 gặp vấn đề và phải ngừng bay.

Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.

Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.

Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.

Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng trục trặc nhất.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc