Mỹ bị đồng minh thân thiết "hạ gục" ngay trên "sân nhà"?

11:12, 30/05/2016
|

(VnMedia) - Trung Đông vốn được xem là “sân nhà” của Mỹ bởi phần lớn các nước trong khu vực này nằm dưới sự ảnh hưởng và chi phối của siêu cường số 1 thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người ta chứng kiến Mỹ đang mất dần vị thế chủ chốt ở Trung Đông. Đầu tiên, Mỹ để Nga làm lu mờ trong vấn đề Syria và giờ đây Mỹ có nguy cơ để Pháp vượt lên, đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng Israel-Palestine.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vào ngày 3/6 tới, Pháp sẽ thay Mỹ chủ trì một hội nghị quốc tế về tiến trình hoà bình Israel-Palestine. Đây là nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm cứu vãn tiến trình hoà bình đang “hấp hối” ở Trung Đông. Pháp đã phải “điền vào chỗ trống” do Mỹ để lại trong bối cảnh Washington phải tập trung cho năm bầu cử vô cùng quan trọng của họ.

Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO diễn ra tại thủ đô Brussels, Bỉ, hôm 19/5 vừa rồi, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã thông báo về hội nghị tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine. Theo đó, hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Paris này sẽ có sự tham dự của các đại diện nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông bao gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc cùng với Liên đoàn Arab và Ngoại trưởng của khoảng 20 quốc gia trên thế giới.

Có một điểm đáng chú ý của hội nghị sắp tới là dù nó có mục tiêu là để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhưng đại diện của hai nước liên quan trực tiếp này lại không được mời tham dự sự kiện vào ngày 3/6 tới đây. Lý do được Paris đưa ra là họ không muốn sự cứng rắn của Israel trở thành chướng ngại vật cho hội nghị mà họ tổ chức ra để làm nền tảng giúp kích hoạt trở lại tiến trình hòa bình đang bị tắc nghẽn giữa Israel và Palestine. Nền tảng đó dựa trên sức ép từ bên ngoài để thúc ép hai bên có liên quan trực tiếp đi tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng giữa họ.

Nếu sáng kiến lần này thành công, một hội nghị cấp cao với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Israel và Palestine, sẽ được tổ chức vào cuối mùa Hè năm nay nhằm đàm phán về giải pháp hai nhà nước – hướng đi được cho là sẽ giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng phức tạp ở Trung Đông.

Việc Pháp tích cực tham gia và đưa ra sáng kiến nói trên đã giúp làm đốt lên tia hy vọng cho những ai đang mong ngóng, chờ đợi nền hoà bình được thiết lập trở lại ở khu vực Trung Đông.

Sự can dự của Pháp đã cho thấy, nước này nói riêng và Châu Âu nói chung đang thực sự lo ngại về việc nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng khởi động trở lại tiến trình hoà bình, không nhanh chóng thúc đẩy tiến trình giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palesine thì hậu quả là khó lường. Khu vực Trung Đông có thể bị nhấn chìm trong bạo lực, xung đột và những thành phần khủng bố, cực đoan sẽ nổi lên, gây hỗn loạn không chỉ trong nội bộ hai nước Israel, Palestine mà cả khu vực và rộng hơn là cả thế giới.

Chính quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande đang thực sự quyết tâm tháo gỡ cuộc xung đột tồn tại suốt bao nhiêu thập kỷ qua giữa Israel và Palestine. Điều này có thể được thấy rõ qua các hoạt động ngoại giao tích cực và sôi động của các quan chức Pháp trong thời gian vừa qua. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã liên tục có các cuộc gặp song phương với những đối tác có liên quan trực tiếp đến tiến trình hòa bình Israel-Palestine như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Paris có thể may mắn hơn Washington trong việc tháo dỡ được một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện tại? Giới phân tích tin rằng, Pháp khó mà đạt được thành công trên con đường mà họ đang đi bởi họ đang thiếu hai yếu tố quan trọng nhất, đó là sự ủng hộ của Mỹ – nước đang giữ vị trí chủ chốt ở Trung Đông, và sự ủng hộ của Israel – một trong hai nước có liên quan trực tiếp đến tiến trình hoà bình.

Trong khi chính quyền Palestine hoan nghênh sáng kiến của Pháp thì Israel lại phản đối mạnh mẽ điều này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục bác bỏ thẳng thừng khả năng tham gia vào bất kỳ nỗ lực đa phương nào nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa họ với Palestine. Ông Netanyahu nhấn mạnh, “cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình thực chất với Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”. Nhà lãnh đạo Israel vẫn khăng khăng đòi đối thoại, đàm phán trực tiếp song phương với Palestine dù rằng biện pháp này đã thực hiện trong suốt nhiều năm qua mà chẳng có hiệu quả.

Về phía Mỹ, nước này cũng tỏ ra không mấy mặn mà với sáng kiến của Pháp. Washington đầu tiên là không muốn Pháp thay thế vị trí chủ chốt của mình. Mỹ tin rằng chỉ có họ mới có thể dẫn dắt nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này là đúng bởi Israel không tin tưởng ai ngoài đồng minh Mỹ và chỉ có Mỹ mới có thể gây ảnh hưởng với Nhà nước Do Thái.

Một lý do nữa khiến Mỹ không muốn chung tay với Pháp là vì Mỹ vẫn hoài nghi về khả năng thành công của Paris. Mỹ thậm chí còn lo ngại rằng, một thất bại thêm nữa trong trong tiến trình thúc đẩy hòa bình Israel-Palestine có thể khiến tình hình thêm phức tạp cả trên bàn ngoại giao và trên chiến trường.

Vân Linh


Ý kiến bạn đọc