Khiến Mỹ bị "lu mờ", Nga "chinh phục" hàng loạt nước

13:07, 17/05/2016
|

(VnMedia) - Nga giờ đây đang nổi lên như một cường quốc trách nhiệm và đáng tin cậy, khiến nhiều nước chạy theo tìm cách tăng cường sự hợp tác quân sự với Nga để đảm bảo an ninh cho họ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan miêu tả mình là một “lãnh đạo về chính trị” của thế giới Hồi giáo thì những nước như Morocco, Algeria và Tunisia đang quay sang tìm kiếm sự hợp tác về quân sự với Nga.

Những nước trên cảm thấy rằng, an ninh của họ đang bị đe doạ và họ đã quay sang nhờ cậy vào Moscow kể từ sau khi Nga thể hiện sức mạnh và sự đáng tin cậy trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, một bài báo đăng tải trên tờ BirGun của Thổ Nhĩ Kỳ đã viết như vậy.

Sự hợp tác quân sự giữa Nga và các nước Hồi giáo, đặc biệt ở Bắc Phi, đang gia tăng mạnh mẽ. Morocco, Tunisia và Algeria hiện đang đối mặt với mối đe doạ từ những vụ bạo lực của lực lượng chiến binh Hồi giáo và đang muốn tăng cường hệ thống an ninh của họ.

Nga và Morocco từ lâu đã chia sẻ một quan hệ hữu nghị và đôi bên cùng có lợi. Hồi tháng Ba, Quốc vương Morocco Mohammed VI đã đến thăm Moscow. Thông thường, những chuyến thăm của các vị quân chủ Moroccan đến Nga thường đem đến rất nhiều những thoả thuận quan trọng song phương giữa Nga và Morocco.

Tính đến năm 2014, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Morocco. Moscow đang tăng cường đầu tư vào Morocco do tình hình chính trị ổn định ở nước này.

Tuy nhiên, Nga và Morocco có quan điểm khác nhau về một số vấn đề chính trị, đầu tiên là cuộc khủng hoảng ở Syria. Morocco từ lâu đã phản đối Tổng thống Syria Bashar Assad. Hơn nữa, Morocco là một phần của liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu nhằm chống lại phe nổi dậy Houthi ở Yemen.

Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt trên, Morocco vẫn cần sự hợp tác về kỹ thuật và quân sự với Nga để duy trì an ninh quốc gia, bài báo của BirGun cho hay.

Về phần Tunisia, nước này bắt đầu quay sang Nga từ hồi tháng Ba, sau khi lực lượng chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh tấn công thị trấn Ben Guerdan gần biên giới Libya. Lực lượng chiến binh đã tấn công vào các cơ sở của quân đội và cảnh sát, giết hại hơn 50 người, chủ yếu là dân thường.

Mối quan hệ giữa Nga và Tunisian khởi đầu từ thương mại. Moscow đã hạ thấp hàng rào thuế quan cho các hàng hoá của Tunisia. Các bước cũng đang được thực hiện để đẩy mạnh hợp tác quân sự giữa Nga và Tunisia.

Algeria đã bắt đầu áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm khắc. Năm ngoái, nước này mua của Nga hơn một chục chiếc máy bay chiến đấu Su-32 và Su-34 của Nga. Hợp đồng này trị giá gần 500-600 USD. Algeria còn mua trực thăng tấn công Mi-28NE và máy bay vận tải Il-76MD-90.

Gần đây, Nga đã bàn giao một vệ tinh cho Algeria. Vệ tinh này cho phép Algeria giám sát tình hình ở biên giới với các nước Tunisia, Libya, Mali và Niger.

Lý do cho sự bùng nổ quan hệ hợp tác giữa các nước Hồi giáo và Nga là Moscow có thể đảm bảo nhiều điều cho các nước này hơn là Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Nga và các nước Hồi giáo chia sẻ thông tin tình báo với Nga về tình hình trong khu vực. Moscow còn cung cấp kinh nghiệm trong việc chiến đấu chống lại lực lượng cực đoan.

Theo Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hơn một thập kỷ qua, nhập khẩu vũ khí, đạn dược từ Nga vào Algeria và Morocco đã tăng 19%. Những nước này đang là nhà nhập khẩu vũ khí Nga lớn nhất trong khu vực.

Như vậy, trái với dự đoán, sự can dự của Nga vào tình hình Syria, không những không khiến các nước Bắc Phi và Trung Đông quay lưng lại với Moscow mà còn thúc đẩy các nước này tăng cường hợp tác với Nga.

"Hiện giờ, Nga là một cường quốc toàn cầu và các nước Hồi giáo đang đối mặt với những mối đe doạ về an ninh và họ muốn tìm kiếm sự hợp tác quân sự với Moscow”, bài báo đăng trên tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã kết luận như vậy.

Kiệt Linh (theo RIA)


Ý kiến bạn đọc