Đồng minh của Mỹ ồ ạt "bỏ" Obama, chạy theo Putin

10:38, 09/05/2016
|

(VnMedia) - Nga đã thể hiện cho các nhà lãnh đạo Trung Đông thấy được rằng, họ là nước sẵn sàng hành động và điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của khu vực đối với Mỹ. Đây là nhận định vừa được cựu cố vấn hàng đầu về các vấn đề Trung Đông của Tổng thống Obama - ông Dennis Ross đưa ra.

Tổng thống Putin (bên trái) và người đồng cấp Obama
Tổng thống Putin (bên trái) và người đồng cấp Obama

Mỹ dường như mạnh về năng lực quân sự ở Trung Đông, nhưng vì một lý do nào đó, giới lãnh đạo ở khu vực này đang ngày trở thành những vị khách thường xuyên của Moscow chứ không phải là của Washington DC, cựu cố vấn Nhà Trắng Ross đã viết như vậy trong một bài bình luận được đăng tải trên tạp chí Politico. Theo nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, người Ả-rập cũng như Israel đang lần lượt rời bỏ Tổng thống Obama bởi sự thiếu quyết đoán của ông này.

"Bởi vì cách nghĩ, quan điểm quan trọng hơn là sức mạnh thực sự. Người Nga được nhìn nhận là sẵn sàng sử dụng sức mạnh của mình để tác động lên cán cân quyền lực trong khu vực trong khi chúng ta thì không”, ông Ross giải thích.

Cựu cố vấn Nhà Trắng phân tích, vấn đề nằm ở phương pháp tiếp cận và quan điểm rất khác của Tổng thống Barack Obama đối với tình hình. Ông Ross tin rằng, những bài học ở Iraq và Afghanistan đã ảnh hưởng đến khả năng quyết đoán của Tổng thống Obama, khiến ông này trở nên do dự, chần chừ trong việc dùng sức mạnh trừ khi nước Mỹ trực tiếp bị đe doạ. Điều đó giải thích tại sao Tổng thống Mỹ đang biện minh cho hành động phủ đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và tại sao ông Obama lại nghĩ Moscow sẽ thất bại khi phát động chiến dịch quân sự ở Syria.

Trong khi đó, các nước Trung Đông, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ, lại ưa thích chính sách của Moscow hơn, cựu cố vấn Nhà Trắng Ross nhấn mạnh.

"Sự can thiệp của quân đội Nga đã làm đảo chiều cuộc chiến ở Syria và ngược với quan điểm của Tổng thống Obama, chiến dịch của Moscow đã giúp họ có được một vị thế mạnh hơn mà không gây ra tổn thất lớn nào đối với họ”, ông Ross cho biết. Ông này còn phân tích thêm rằng, chiến dịch ở Syria không chỉ củng cố vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad mà trong nhiều khía cạnh còn giúp Moscow thoát ra khỏi thế bị cô lập trên trường quốc tế. Hơn nữa, bây giờ, chính Tổng thống Obama đang phải kêu gọi người đồng cấp Putin và tìm kiếm sự ủng hộ, giúp đỡ của ông này trong việc gây áp lực lên Tổng thống Assad. Tất cả những diễn biến trên đã cho thấy Nga và Tổng thống Putin đang có một vị thế mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn, tiếng nói có trọng lượng hơn.

"Giới lãnh đạo Trung Đông cũng công nhận điều này và họ thừa nhận họ cần phải đối thoại với người Nga nếu muốn bảo vệ các lợi ích của mình”, cựu cố vấn Nhà Trắng Ross cho hay. "Sẽ tốt hơn nếu Tổng thống Putin bị quốc tế đánh giá là đang thất bại nhưng ông ấy thực ra không thất bại”.

Cựu cố vấn của Tổng thống Obama kết luận, để sửa sai trong tình huống như thế này, Mỹ cần phải thực hiện một số bước đi, trong đó có việc cứng rắn hơn trong chính sách với Iran, chuẩn bị trang bị vũ khí cho các bộ tộc người Sunni ở Iraq và doạ Nga về việc sẽ áp dụng vùng cấm bay ở Syria.

Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9 năm ngoái theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố và giúp đảo chiều cuộc chiến tranh ở Syria theo hướng có lợi cho đồng minh Assad.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng sau đó, Tổng thống Putin đã bất ngờ ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc nước này tiến hành rút các lực lượng quân sự chính ra khỏi Syria, bắt đầu từ hôm 15/3.

Trong khi Nga gây tiếng vang với chiến dịch quân sự ở Syria thì chính quyền Tổng thống Obama lại vấp phải nhiều chỉ trích vì chiến dịch không hiệu quả của liên quân ở chiến trường quốc gia Trung Đông.

Kiệt Linh (theo RIA)


Ý kiến bạn đọc