Bị "bám đuổi" quyết liệt, Trung Quốc sẽ lùi bước ở Biển Đông?

14:36, 31/05/2016
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm nay (31/5) sẽ lên đường đến Singapore để tham dự một hội nghị an ninh của Châu Á. Đây là nơi mà vấn đề bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ một lần nữa trở thành chủ đề chính thống trị các cuộc thảo luận của bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các nước láng giềng của Trung Quốc hiện tại đang rất quan ngại cũng như tức giận trước việc Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ trên biển nhằm tìm cách giành giật chủ quyền với các nước khác. Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến hành các dự án cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Những dự án này có thể được dùng cho mục đích quân sự.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc vừa được công bố tháng này cho hay, Bắc Kinh đã bồi đắp thêm được hơn 1.300 héc ta trên những khu vực mà nước này đóng chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đối thoại Shangri-La là một cuộc họp an ninh diễn ra hàng năm. Hội nghị này sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, tướng lĩnh quân sự hàng đầu và các chuyên gia quốc phòng đến từ các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và cả bên ngoài. Những quan chức đến tham gia cuộc Đối thoại Shangri-La sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.

Biển Đông hiện giờ đang là một trong những vấn đề nóng nhất của khu vực, thậm chí là của thế giới. Vì thế, không có gì là lạ khi Biển Đông trở thành vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn bạc trong cuộc họp an ninh khu vực sắp tới.

Kể từ khi trở thành ông chủ Lầu Năm Góc thứ tư dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama từ hồi tháng Hai năm ngoái, Bộ trưởng Carter đã luôn giữ một lập trường cứng rắn đối với những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại cuộc Đối thoại Shangri-La hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cũng đã công khai chỉ trích nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm cách độc chiếm Biển Đông. Hồi cuối tuần vừa rồi, ông Carter cũng đã thẳng thừng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang có nguy cơ xây dựng một “Vạn lý Trường Thành để tự cô lập mình”.

"Các nước trên khắp khu vực – cả các nước đồng minh, đối tác và không liên kết, đều thể hiện sự quan ngại một cách công khai và riêng tư ở mức cao nhất" đối với cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Carter đã cho biết như vậy.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc có rất nhiều hành động phơi bày rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Cụ thể, gần đây nhất, Trung Quốc đã và đang cấp tập bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Đáng lo ngại hơn, những công trình trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông còn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Vì tham vọng của Trung Quốc, Biển Đông giờ đây không chỉ phải chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng giữa các nước trong khu vực mà còn là cuộc đối đầu của các cường quốc, cụ thể ở đây là Mỹ-Trung. Mỹ đang công khai ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama giờ đây không chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích, lên án Bắc Kinh mà đã leo thang lên một bước cao hơn là công khai đối đầu bằng hành động quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thời gian vừa qua, người ta đã chứng kiến Trung Quốc thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải bằng cách đưa tàu chiến vào tuần tra ở những khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington tuyên bố, hành động của họ không chỉ nhằm để thể hiện quyền tự do đi lại trên biển, tự do bay qua bầu trời khu vực mà còn để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ được rất nhiều nước ủng hộ như Nhật Bản, Philippines, Australia và nhiều nước Châu Âu…. Mới đây, nhóm nước G7 cũng đã thẳng thừng ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc về các hành động ở Biển Đông.

Mỹ dường như đang rất quyết liệt ngăn chặn tham vọng Biển Đông của Trung Quốc. Liệu sự bám đuổi quyết liệt của Mỹ cùng với sự phản đối mạnh mẽ của hàng loạt nước trên thế giới có khiến Bắc Kinh lùi bước hay không? Câu hỏi này chỉ có Trung Quốc mới có thể trả lời.

Vân Linh


Ý kiến bạn đọc