Nga bị bạn thân và láng giềng "chơi vố đau"

13:14, 29/04/2016
|

(VnMedia) - Đức có khả năng sẽ đưa 1.000 quân đến tham gia thực hiện nhiệm vụ của NATO ở sát nách của Nga. Trong khi đó, Lithuania - một nước láng giềng của Nga, đang không tiếc tiền đầu tư vào quân đội để đối phó với Nga. Những thông tin như trên chắc chắn sẽ khiến Moscow không thể cảm thấy dễ chịu, đặc biệt khi Đức từng được coi là “bạn thân” của Nga.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Báo chí địa phương hôm qua (28/4) đưa tin, Đức đã sẵn sàng tham gia sâu rộng hơn vào các sứ mệnh của NATO, trong việc bảo vệ những đường biên giới phía đông của liên minh. Hành động này rõ ràng là nhằm vào Nga trong bối cảnh Nga với NATO đang đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo tờ Der Spiegel, Lực lượng Vũ trang Đức có thể sẽ triển khai khoảng 1.000 binh lính đến tham gia thực hiện các nhiệm vụ của NATO ở Lithuania nếu các thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương phê chuẩn kế hoạch của Berlin trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Warsaw.

Sáng kiến trên được Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo trong cái gọi là hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 5 nước gồm Đức, Mỹ, Anh, Pháp và Italia. Hội nghị này diễn ra ở Hanover.

Trước đó, hồi giữa tháng Ba, Ngoại trưởng Lithuanian Linas Linkevicius từng bày tỏ, nước ông hy vọng Đức sẽ ủng hộ tích cực cho nhu cầu tăng sự hiện diện quân sự của NATO ở các nước Baltic.

Dự kiến, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ có cuộc họp thượng đỉnh ở Warsaw vào tháng Bảy. Trong dịp này, 28 quốc gia thành viên NATO sẽ đặt ra một lộ trình cho kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía đông, trong đó có việc đưa ra con số chính xác binh lính sẽ đóng tại đây.

Đức vốn từng được coi là “bạn thân” của Nga vì giữa hai nước có nhiều mối liên hệ rất chặt chẽ. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.

Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng.

Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ngoài ra, liên minh quân sự phương Tây - NATO với Đức là một thành viên cũng đang ra sức tăng cường sự hiện diện quân sự ở xung quanh biên giới Nga nhằm kiềm chế Moscow.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến vấn đề đối phó với Nga, Lithuania - một nước láng giềng của Nga, được cho là đang chi tiêu không tiếc tiền cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự với mục tiêu nhằm vào Moscow.

Là nước lớn nhất trong 3 quốc gia vùng Baltic, Lithuania bắt đầu mạnh tay chi tiêu cho quân sự, quốc phòng kể từ năm 2014 khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra và sau đó là vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga.

Một số nước láng giềng của Moscow đang ngày càng tỏ ra quan ngại về cái gọi là mối đe doạ mang tên Nga. Vì thế, những nước này không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự cho bản thân mà còn ra sức kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc