Nga bàn giao tên lửa "khủng" cho láng giềng

16:28, 07/04/2016
|

(VnMedia) - Belarus sẽ tiếp nhận hai tiểu đòan tên lửa phòng không S-300 cuối cùng và 4 máy bay huấn luyện tác chiến Yak-130 trong năm 2016. Đó là thông tin vừa được Chỉ huy Không lực Belarus - Thiếu Tướng Oleg Dvigalev đưa ra hôm qua (6/4).

 

“Việc bàn giao các tiểu đoàn tên lửa S-300 cho Belarus sẽ được hoàn tất trong năm nay. 3 tiểu đoàn đã được Belarus triển khai, còn tiểu đoàn thứ 4 đang được bàn giao”, ông Dvigalev nói với phóng viên sau cuộc họp tại ủy ban hợp tác phòng không của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).

S-300 của Nga là dòng tên lửa được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và sở hữu.. Hiện có khá nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống S-300 của Nga, chủ yếu là ở Đông Âu và châu Á, trong đó có Ukraine, Belarus, Hy Lạp, Syria, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Theo Wikipedia, ngay cả Mỹ cũng đã từng mua một hệ thống S-300V của Nga năm 1993 để đánh giá, áp dụng công nghệ để nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.

Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.

Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.

Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng.

Nga bàn giao 4 chiếc Yak-130 cho Belarus

Trong một diễn biến khác, ông Dvigalev cũng cho biết, Belarus đã tiếp nhận 4 máy bay huấn luyện tác chiến Yak-130 đầu tiên từ Nga và dự kiến 4 chiếc tiếp theo sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

Yak-130 là một trong những loại máy bay huấn luyện-chiến đấu được đánh giá là hiện đại nhất thế giới của Không lực Nga.
 
Máy bay Yak-130 là sản phẩm do Phòng thiết kế Yakovlev của Nga chế tạo. Ưu điểm quan trọng nhất của loại máy bay này là tính năng kép: vừa có thể được sử dụng như máy bay huấn luyện vừa được dùng như phi cơ chiến đấu hạng nhẹ. Ngoài ra, Yak-130 còn có thiết kế khí động học tiên tiến, hệ thống điện tử hiện đại và được trang bị vũ khí kết hợp "Nga - Mỹ - Âu".
 
Về hình dáng, Yak-130 được thiết kế có cánh hình mũi tên và được bố trí giữa thân như các loại chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 nhằm tận dụng lực nâng của cánh. Cánh đuôi được bố trí thấp hơn cánh chính làm cho mọi chuyển động của máy bay linh hoạt hơn và giúp phi công lựa chọn góc tấn công lớn.
 
Máy bay được thiết kế buồng lái hai chỗ ngồi và hai động cơ turbin phản lực, có tuổi thọ 10.000 giờ bay và có thể tăng hạn lên 15.000 giờ bay, tương ứng 20.000 lần cất hạ cánh với niên hạn sử dụng là 30 năm.
 
Là dạng máy bay huấn luyện nên ghế ngồi của Yak-130 được thiết kế kiểu ghế trước, ghế sau và vòm kính được đặt cao cho phép phi công có tầm quan sát rộng hơn và khả năng "khóa" mục tiêu tốt hơn. Buồng lái máy bay được che hoàn toàn bằng kính thủy tinh có khả năng chống đạn và được trang bị hệ thống tạo khí oxy trên khoang lái.
 
Yak-130 còn có khả năng tiếp nhiên liệu trên không để tăng tầm bay. Yak-130 có tiềm năng to lớn trên thị trường quốc tế. Nhiều quốc gia tỏ ra thèm muốn loại máy bay này.

Moscow và Minsk đã ký kết một thỏa thuận bảo vệ chung không phận của Nga-Belarus, đồng thời thiết lập một mạng lưới phòng không khu vực thông nhất hồi tháng 2/2009.


Ý kiến bạn đọc