Kinh ngạc cách cư xử lạ của NATO với Nga

10:40, 08/04/2016
|

(VnMedia) - Thay vì dùng những ngôn từ thường lệ để nói về “mối đe doạ mang tên Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây lại có cư xử “kỳ lạ” khi tiết lộ với phóng viên ở thủ đô Washington rằng, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang tìm cách đối thoại với Moscow. Phát biểu này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính ông Stoltenberg vừa tuyên bố Nga là thách thức hàng đầu của NATO.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

NATO đã cắt đứt mọi hoạt động hợp tác trên thực tế với Nga sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên hồi năm 2014 và đặc biệt là sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Moscow.

Mối quan hệ giữa Nga với NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

Những động thái trên của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Tuy nhiên, có vẻ như sau một thời gian cắt đứt quan hệ với Nga, NATO nhận thấy điều này là không có lợi cho chính họ và họ cần sự hợp tác của Nga để giải quyết một loạt vấn đề quốc tế cấp thiết, vì thế liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu phát đi những tín hiệu làm lành với Moscow. Nga cũng tuyên bố để ngỏ khả năng khôi phục lại các mối quan hệ hợp tác với NATO.

Hiện tại, NATO và Nga đang bàn bạc, thảo luận nhằm đưa ra được một chương trình nghị sự cho một cuộc họp mới giữa hai bên. Cuộc họp này sẽ diễn ra thông qua Hội đồng Nga-NATO, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết.

Mục tiêu trọng tâm vào thời điểm này là sắp xếp và đưa ra được một chương trình nghị sự. “Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với phía Nga. Hy vọng chúng tôi có thể nhất trí được với nhau về chương trình nghị sự và sau đó có thể tổ chức một cuộc họp”, ông Stoltenberg cho biết.

“Hội đồng Nga-NATO chưa bao giờ ngừng hoạt động. Trên thực tế, chúng tôi đã có hai cuộc họp trong hội đồng sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Sự hợp tác trên thực tế đã bị tạm ngừng nhưng đối thoại chính trị giữa hai bên vẫn diễn ra”, ông Stoltenberg nói thêm.

Trong khi đó, người đứng đầu Uỷ ban Đối ngoại của Nga - ông Aleksey Pushkov lại cho rằng, Hội đồng Nga-NATO thực ra cũng đã tạm ngừng hoạt động. Hội đồng này được thành lập năm 2002 nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại về các vấn đề an ninh giữa Nga và NATO.

Trong vài năm qua, Hội đồng Nga-NATO đã tạm dừng các cuộc gặp gỡ vì quan hệ căng thẳng giữa hai bên sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga can dự vào cuộc chiến ở vùng Donbass.

Moscow bác bỏ mọi lời cáo buộc nhưng NATO vẫn luôn miệng tuyên bố coi Nga là mối đe doạ và lấy cớ đó để bành trướng sự hiện diện quân sự bao quanh các đường biên giới của Nga.

Những phát biểu mới nhất của Tổng thư ký NATO về việc liên minh này đang tìm kiếm các cuộc đối thoại với Nga đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng NATO lại tìm cách làm lành với Nga. Nếu đúng như vậy thì NATO khiến người ta bất ngờ về cách cư xử lạ lùng của họ khi vừa ngày hôm trước tuyên bố Nga là mối đe doạ thì ngay lập tức ngày hôm sau đã đổi thái độ hoàn toàn.

Trên thực tế, NATO không thay đổi lập trường căn bản đối với Nga. Tuy nhiên, ông Stoltenberg có phần nào đó đã dịu giọng, thể hiện một lập trường mềm dẻo hơn. Ông này tuyên bố, NATO không thấy “có bất kỳ mối đe doạ trước mắt nào” ở Châu Âu, trong đó có cả khu vực các đường biên giới Đông Âu. Tổng thư ký NATO đã trả lời như vậy khi được hỏi liệu Nga có phải là “mối đe doạ thực sự” đối với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

“NATO không tìm kiếm một cuộc đối đầu với Nga. Chúng tôi sẽ tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Chúng tôi đang trông chờ vào một cuộc đối thoại với Nga”, ông Stoltenberg phát biểu.


Ý kiến bạn đọc