Cận cảnh những vũ khí "hoành hành" ở Biển Đông

06:27, 08/04/2016
|

(VnMedia) - Biển Đông đang trở thành một trong những điểm nóng dễ bùng nổ xung đột nhất thế giới hiện nay, lý do là bởi cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước đang kéo theo việc hàng loạt vũ khí nguy hiểm được triển khai đến vùng biển này.

Trung Quốc đang muốn ngang nhiên bánh trướng tầm ảnh hưởng ở Biển Đông và Mỹ dù khẳng định không có tranh chấp nhưng có lợi ích quốc gia ở vùng biển này, là hai quốc gia đang triển khai nhiều vũ khí nhất tại đây.

Mỹ đưa lô tàu sân bay, tàu chiến, chiến đấu cơ tối tân tới Biển Đông

Với lý lẽ bảo vệ sự tự do hàng hải trên Biển Đông cũng như lợi ích quốc gia tại vùng biển này, Mỹ - quốc gia dù khẳng định không có tranh chấp ở đây đã triển khai nhiều loại tàu chiến, vũ khí tối tân tới vùng biền này.

Theo thông tin tờ Washington Post đưa tin ngày 3/3 vừa qua, hải quân Mỹ đã triển khai chiếc tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74), 2 chiếc tàu khu trục, 2 chiếc tàu tuần dương và chiếc tàu chỉ huy hạm đội 7 vào Biển Đông.

Tàu sân bay John S. Stennis
Tàu sân bay John S. Stennis

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, đợt triển khai số lượng lớn tàu chiến lần này là sự biểu dương sức mạnh mới nhất tại Biển Đông, nơi mà các quan chức Mỹ vừa tố cáo Trung Quốc đang quân sự hóa nhằm bảo vệ những tuyên bố chủ quyền quá đáng của họ tại đây.

Theo thông cáo của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, tàu sân bay John S. Stennis, cùng 2 tàu khu trục Chung-Hoon và Stockdale, tàu tuần dương USS Mobile Bay và tàu hậu cần Rainier, chiếc tàu chỉ huy hạm đội 7, USS Blue Ridge đã hoạt động ở khu vực phía đông Biển Đông kể từ ngày 1/3, sau khi đi qua eo biển Luzon giữa Philippines và Đài Loan. Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Trung Quốc bị tố triển khai tên lửa, chiến đấu cơ và radar ra Biển Đông.

Tàu khu trục Chung-Hoon
Tàu khu trục Chung-Hoon
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale

Cũng theo các quan chức hải quân Mỹ, tàu chỉ huy USS Blue Ridge của hạm đội 7 đến vùng biển này để vào thăm cảng ở Philippines. Còn tàu tuần dương USS Antietam, đồn trú tại Nhật Bản, đang tiến hành một cuộc “tuần tra định kỳ” riêng rẽ với tàu sân bay USS John C. Stennis tại Biển Đông sau các cuộc tuần tra của tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland hồi cuối tháng 2/2016.

Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay

Trong khi đó, tàu sân bay USS John C. Stennis được triển khai tuần tra tại Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu, radar quân sự và tên lửa phòng không tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. USS John C. Stennis là tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz. Tàu có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý, sức chứa 90 máy bay và trực thăng. Stennis có hệ thống tên lửa phòng không của NATO RIM-7 Sea Sparrow và Rolling Air, hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, và hệ thống tác chiến điện tử SLQ-32. Nhiệm vụ của Stennis và không đoàn (CVW-9) là duy trì hoạt động không chiến khi triển khai trên toàn cầu.

Không chỉ triển khai tàu chiến tới Biển Đông, từ đầu năm 2015, Hải quân Mỹ đã triển khai máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk thực hiện nhiều chuyến bay tuần tra trên các bãi đá Trung Quốc đang cải tạo phi pháp Biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk
Máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk

Global Hawk có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động do thám, thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông và trên hầu khắp Thái Bình Dương. Để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, hệ thống tích hợp của RQ-4 Global Hawk bao gồm các thiết bị cảm biến, điện tử và kết nối dữ liệu đặt trên máy bay trong khi phần điều khiển đặt trên mặt đất có thiết bị phục vụ cất hạ cánh (LRE), trung tâm điều khiển máy bay (MCE) cùng với các thiết bị liên lạc, hỗ trợ và huấn luyện nhân sự vận hành bay.

Ngoài ra, RQ-4 Global Hawk còn có khả năng phủ sóng gây nhiễu toàn bộ khu vực tác chiến, tạo thuận lợi cho nhóm tác chiến bên dưới hoạt động hiệu quả hơn.

Loạt vũ khí Trung Quốc triển khai tới Biển Đông

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, mới đây, nước này cũng liên tục triển khai trái phép các loại chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa tới các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Các nhà bình luận quân sự nước ngoài cho rằng bên cạnh việc gia tăng các hoạt động quân sự như việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, đưa các đơn vị tên lửa chiến đấu HQ-9 hay việc đưa các loại máy bay chiến đấu J-11, JH-7 trái phép ra quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc còn đang tăng cường các hoạt động tập trận bắn đạn thật, tiêu diệt mục tiêu trên biển. Những hành động này ngày càng thể hiện tham vọng bá chủ biển Đông của Trung Quốc

Hồi trung tuần tháng 2/2016, trang tin Phượng Hoàng của Trung Quốc đưa tin, Hạm đội Nam Hải được cho là đã đưa các tàu tên lửa hiện đại Type 052D đến Biển Đông để tham gia một đợt tập trận bắn đạn thật ở vùng biển này.

Tàu tên lửa hiện đại Type 052D
Tàu tên lửa hiện đại Type 052D

Thêm vào đó, tờ Washington Post ngày 22/2/2016 dẫn lời ông Gregory Poling, người đứng đầu bộ phận Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt hệ thống radar cao tần ở đá Châu Viên, 1 trong 7 khu vực mà Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên mở rộng thông qua các hoạt động bồi lấp cải tạo phi pháp ở Trường Sa.

Dư luận Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc triển khai radar cao tần ở đá Châu Viên sẽ tăng cường rất lớn khả năng giám sát của Trung Quốc đối với eo biển Malacca và các tuyến đường chiến lược quan trọng khác. Thậm chí, loại radar này có thể theo dõi các máy bay có tính năng tàng hình như các máy bay chiến đấu F-22, máy bay ném bom B-2 của Mỹ, đe dọa tự do đi lại của Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, việc triển khai radar cao tần ở đây có thể giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát vùng biển, vùng trời phía nam Biển Đông, để Trung Quốc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp, hướng tới độc chiếm Biển Đông trong tương lai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, loại radar này cũng có rất nhiều điểm yếu như hệ thống quá phức tạp, chi phí nghiên cứu chế tạo cao, tính cơ động và ngụy trang kém, cần có điều kiện bảo đảm tương đối cao, khó có thể triển khai rộng rãi, quy mô lớn. Mặc dù radar cao tần có thể dò tìm và theo dõi máy bay tàng hình, nhưng nó hoàn toàn không có khả năng dẫn đường chính xác cho vũ khí tấn công. Các chuyên gia nhận định rằng, Mỹ hoàn toàn có thể hủy diệt các radar này, giống như Mỹ sử dụng máy bay trực thăng quân sự Apache phá hủy radar tần số thấp của Quân đội Iraq trong chiến dịch “bão táp sa mạc” trước đây.

Chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11
Chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11

Chỉ sau đó 1 ngày, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này cho hay các chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và tiêm kích bom Tây An JH-7 của Trung Quốc mới đây được cho là đã xuất hiện trên đường băng tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hãng tin trên đăng tải những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm.

Tiêm kích bom Tây An JH-7
Tiêm kích bom Tây An JH-7

Trước những động thái trên, Việt Nam đã trao công hàm phản đối đến Trung Quốc. Mỹ cùng cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ những lo ngại liên quan đến sự hiện diện của những vũ khí mang tính chất quân sự hóa này của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

                                                                                                                                                                       Đan Khanh (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc