Vụ đụng độ ở Biển Đông: Indonesia khiến Trung Quốc bẽ mặt

14:01, 25/03/2016
|

(VnMedia) - Indonesia đã thẳng thừng cự tuyệt yêu cầu của Trung Quốc đòi thả 8 ngư dân của nước này bị cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong lãnh hải của họ. Diễn biến trên làm gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia ở Biển Đông. Giới phân tích tin rằng, vụ việc lần này đã dập tắt những ý kiến cho rằng Indonesia không có liên quan gì đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia - bà Susi Pudjiastuti
Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia - bà Susi Pudjiastuti

Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia hôm 23/3 đã lên tiếng khẳng định chắc chắn rằng, 8 ngư dân Trung Quốc mà họ vừa bắt giữ hồi cuối tuần vừa rồi sẽ bị đưa ra xét xử. Đây là câu trả lời cho yêu cầu của phía Bắc Kinh đòi Indonesia phải thả ngay lập tức những ngư dân này ra.

Trước đó, hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã triệu tập một nhà ngoại giao Trung Quốc đến để phản đối việc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền” của Indonesia đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khăng khăng cho rằng, vụ đụng độ giữa tàu thuyền hai nước hôm 19/3 xảy ra trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” và rằng tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của họ đã cứu giúp tàu cá mà không xâm nhập vào vùng lãnh hải Indonesia.

Quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về an ninh hàng hải của Indonesia - ông Arif Havas Oegroseno cho biết, hành động của Trung Quốc đã tạo ra một trò chơi mới mà các quốc gia Đông Nam Á cần phải theo dõi sát sao. Ông Oegroseno khẳng định, tuyên bố của Trung Quốc cho rằng khu vực xảy ra cuộc đối đầu giữa tàu thuyền Trung Quốc và Indonesia thuộc “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” hoàn toàn không được công nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Căng thẳng đang leo thang sau khi một tàu tuần tra của Bộ Ngư nghiệp Indonesia chặn một tàu cá của Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Natuna hôm thứ Bảy (19/3) với cáo buộc tàu này đánh cá bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của Indonesia. Một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc sau đó đã ra đâm vào tàu cá của họ khi nó đang bị tàu Indonesia kéo đi. Điều này cho phép tàu cá của Trung Quốc chạy thoát.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia - bà Susi Pudjiastuti đã phản ứng rất mạnh trước hành động “tiếp ứng” của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc nhằm giải cứu tàu cá của họ. "Chúng tôi tôn trọng một nước lớn như Trung Quốc và Trung Quốc cũng nên tôn trọng chủ quyền của Indonesia cũng như tôn trọng thực tế rằng chúng tôi đang có cuộc chiến chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép”, bà Pudjiastuti đã nói như vậy với các phóng viên.

Indonesia cáo buộc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi có hành động can thiệp nói trên.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại rất lớn cho cộng đồng thế giới nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Indonesia không có liên quan gì đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và Bắc Kinh đang tìm cách ngăn cản không cho cường quốc Đông Nam Á này tham gia cùng với các nước khác trong cuộc chiến nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích tin rằng, Indonesia sẽ ngày càng bị lôi kéo sâu hơn vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Cuộc đụng độ mới nhất giữa lực lượng tàu thuyền của Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ buộc Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo phải tăng ngân sách cho các hoạt động tuần tra hàng hải.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Indonesia nhưng đây là lần đầu tiên phản ứng của Indonesia “vấp phải sự đáp trả thù địch. Đó có thể là dấu hiệu về khả năng sẽ có một bước ngoặt trong lập trường của Indonesia đối với vấn đề Biển Đông”, một nhà phân tích đã đưa ra nhận định như vậy.

Giới chức Indonesia đang lo ngại rằng, với một Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt, hung hăng trong tham vọng độc chiếm Biển Đông thì rất có thể quần đảo Natuna của họ sẽ bị ảnh hưởng. Quần đảo Natuna nằm giữa cực đầu phía tây bắc đảo Borneo của Indonesia và cực đầu phía nam của Việt Nam. Quần đảo này bao gồm khoảng 270 đảo, tạo thành tỉnh Riau của Indonesia. Đây là nơi của 70.000 người sinh sống.

Một quan chức Indonesia mới đây tuyên bố, nước này sẽ tăng cường sự hiện diện ở Natuna bằng cách triển khai thêm binh lính và các tàu tuần tra được trang bị tốt hơn. Đồng thời, Indonesia cũng sẽ củng cố sức mạnh cho căn cứ hải quân của họ ở quần đảo Natuna bằng một hệ thống phòng thủ hiện đại.

Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc như các nước Châu Á khác. Tuy nhiên, Jakarta phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc - một yêu sách đòi chủ quyền đến gần như toàn bộ Biển Đông. Đường 9 đoạn của Trung Quốc chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở xung quanh Natuna - một dãy đảo có rất nhiều nguồn cá nằm ở vùng cận tây bắc của Indonesia.


Ý kiến bạn đọc