Tên lửa Nga sẽ biến siêu tàu sân bay Mỹ thành "nghĩa địa nổi"

16:53, 08/03/2016
|

(VnMedia) - Nếu tình hình đi đến mức tồi tệ nhất, các tên lửa siêu âm tối tân, đỉnh cao nhất của Nga có thể biến Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ - lớp Ford thành “một nghĩa địa nổi”, nhà báo kiêm nhà phân tích quân sự Sergei Ischenko mới đây đã đưa ra nhận định như vậy.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cuối năm nay, Hải quân Mỹ có kế hoạch đón nhận tàu sân bay USS Gerald R. Ford – đây là chiếc tàu chiến tối tân nhất và đắt đỏ nhất từng được đưa ra biển hoạt động. Những chiếc tàu sân bay lớp Ford có thể thay thế cho toàn bộ 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay của Mỹ, bắt đầu từ tàu USS Enterprise.

Phân tích về tàu sân bay mới và những điểm yếu của nó, ông Sergei Ischenko – một chuyên gia quân sự và là một cây bút kỳ cựu của tờ báo độc lập Svobodnaya Pressa của Nga cho rằng, không may cho Hải quân Mỹ là nếu xảy ra một cuộc xung đột với Nga, tàu sân bay lớn nhất, tối tân nhất của Mỹ lại dễ dàng bị biến thành một nghĩa địa nổi khổng lồ. Và đây chẳng phải là lời nói của ông Ischenko mà là của chính những nhà phân tích người Mỹ.

"Tàu sân bay mới khổng lồ của Hải quân Mỹ có khả năng mang đến 90 chiếc máy bay và các phương tiện trên không khác (bao gồm máy bay do thám không người lái cũng như chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35). Thiết bị mới này đã nhận được rất nhiều sự chú ý về khả năng tự động hoá rất cao cũng như chi phí kỷ lục lên đến 15 tỉ dành cho nó", ông Ischenko cho biết.

Tuy nhiên, “một loạt các chuyên gia quân sự đáng kính của Mỹ đã ám chỉ rằng, rất có thể chiếc tàu sân bay đó lại thực sự là một nghĩa địa khổng lồ siêu đắt đỏ cho thuỷ thủ đoàn lên tới hàng nghìn người. Con tàu khổng lồ được kỳ vọng là biểu tượng sức mạnh Mỹ trên đại dương có thể lại trở nên lỗi thời thậm chí ngay cả trước khi nó được hoàn thành".

Tháng trước, ông Harry J. Kazianis – một chuyên gia quân sự và là một bình luận cấp cao của tờ tạp chí đối ngoại uy tín The National Interest có trụ sở ở Mỹ, đã đề cập rất nhiều đến chiếc siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ. "Các nước có sức mạnh về công nghệ, đặc biệt là những cường quốc như Trung Quốc và Nga – những nước mà Lầu Năm Góc coi là thách thức lớn đối với quân đội Mỹ, đang phát triển các tên lửa hành trình có thể thực hiện những cuộc tấn công từ xa và dồn dập từ nhiều phía. Những vũ khí như vậy… nếu chính xác và được sử dụng bởi các thuỷ thủ có trình độ cao kết hợp với phương tiện tìm mục tiêu trên các vùng biển rộng lớn, có thể biến những siêu tàu sân bay của Mỹ thành một nấm mồ nhiều tỉ USD dành cho hàng nghìn thuỷ thủ Mỹ", ông Kazianis nhận định.

"Và ông Harry Kazianis không phải là người duy nhất có quan điểm như trên", nhà phân tích Ischenko cho biết. Hồi năm ngoái, trong một bài bình luận viết cho tạp chí Politico, một đại uý hải quân đã nghỉ hưu và là một nhà phân tích quốc phòng của Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington – ông Jerry Hendrix từng viết rằng, thời kỳ vàng cho các tàu sân bay của Mỹ đã kết thúc vào thời điểm khi Trung Quốc và Nga bắt đầu đưa các hệ thống tên lửa tầm xa vào quân đội của họ.

Theo ông Ischenko, "chuyên gia Hendix tin rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, năng lực của lực lượng phòng không, tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm của Nga và Trung Quốc có thể buộc nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ phải tránh xa hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn km so với bờ biển của kẻ thù. Điều đó đồng nghĩa với việc những chiếc máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay nhằm chống lại các mục tiêu mặt đất sẽ khó có khả năng phát huy tác dụng. Ngoài ra, bất kỳ sự di chuyển nào của nhóm tàu sân bay tấn công đều dễ dàng bị quan sát từ trên vũ trụ, giúp cho các đối thủ của Mỹ có thể dễ dàng vạch kế hoạch phản công, đối phó từ trước".

"Phép tính ở đây rất đơn giản: năng lực tấn công chính của Hải quân hiện đại của Mỹ gồm cánh không quân, bao gồm 30 đến 40 chiếc chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornets. Phạm vi chiến đấu của những chiếc chiến đấu cơ nói trên trong vòng 800km. Để những chiếc máy bay Super Hornets có thể thực hiện được các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu trên bờ biển thuộc lãnh thổ của kẻ thù, chúng phải xuất kích ở khoảng cách cách xa mục tiêu khoảng 400 hải lý”

"Tuy nhiên, nếu nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ tìm cách tấn công vào bờ biển Nga, nó hầu như không thể đến được đích vì từ khoảng cách xa mục tiêu nó đã bị tấn công bởi máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 được trang bị tên lửa chống hạm Kh-22. Đây là loại tên lửa được thiết kế từ thời Liên Xô chuyên để chống lại các tàu sân bay”, nhà phân tích quân sự cho hay.

"Mỗi chiếc Tu-22M3 có khả năng mang tới 3 tên lửa Kh-22. Hơn nữa, loại tên lửa chống hạm này còn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân". Phiên bản mới nhất của Kh-22 – Kh-22M/MA có tầm hoạt động lên tới 600km (320 hải lý), tốc độ Mach 5, và có thể mang khối lượng vũ khí lên đến 1.000kg. Trên thực tế, tầm hoạt động của máy bay là không giới hạn bởi nó có thể tiếp dầu được trên không", ông Ischenko nhấn mạnh.

“Và nếu có phép lạ nào đó giúp cho nhóm tàu sân bay của Mỹ có thể tránh khỏi cuộc tấn công của tên lửa phóng từ trên không và tiến gần hơn tới bờ biển của Nga, những con tàu c sẽ đi vào tầm bắn của hệ thống tên lửa bờ di động K-300P Bastion. Hệ thống này được trang bị các tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-900 Oniks (Oniks được biết đến trên thị trường xuất khẩu với tên gọi Yakhont, có tầm bắn 600km (phiên bản xuất khẩu chỉ có tầm bắn 120-300km) tùy thuộc vào độ cao”.

Ngoài ra, các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm của Nga còn có thể đánh nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ theo cách riêng của chúng. Chẳng hạn, tàu ngầm K-560 Severodvinsk, chiếc đầu tiên thuộc lớp Yasen đề án 885, có thể mang tới 32 tên lửa Oniks.

“Sau đó, tất nhiên, còn có các tàu tên lửa cỡ nhỏ mà gần đây đã nổi tiếng khắp thế giới với tên lửa hành trình Kalibr với 2 phiên bản chống tàu 3M54K và 3M54T. Cuối cùng, còn có các tàu ngầm Varshavyanka (lớp Kilo) cũng được trang bị tên lửa Kalibr và hệ thống phòng thủ bờ biển 3K60 “Ball” với tên lửa Kh-35U có tầm bắn gần đây lên tới 300km”.

“Nhưng thậm chí tất cả những vũ khí nói trên sẽ nhanh chóng trở thành ‘đồ chơi trẻ con’ nếu Nga đủ khả năng bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon”. Tầm bắn của Zircon vẫn còn là một bí mật, ít nhất là tương đương với tên lửa Oniks, nhưng tốc độ của nó sẽ nhanh gấp nhiều lần. Điều đó giúp nó giảm rất nhiều thời gian cần để vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không trên biển nào và như vậy nó có thể khiến cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm bảo vệ tàu sân bay cũng như các tàu hỗ trợ khác trở nên hoàn toàn vô ích”, chuyên gia quân sự Nga cho biết.


Ý kiến bạn đọc