Tên lửa Nga khiến Mỹ, Trung Quốc "hồn bay phách lạc"

09:58, 13/03/2016
|

(VnMedia) - Tờ Rossiiskaya Gazetacủa Nga trích dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 tối tân của Nga đang trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi của Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc.

Theo đó, trong một bản tin được phát sóng trên đài quốc gia của Trung Quốc hồi đầu tháng, một chuyên gia quân sự nước này đã hết lời ca ngợi những đặc thù độc nhất vô nhị của RS-26 cũng như bày tỏ quan ngại rằng tên lửa này sẽ khiến quân đội nước ngoài phải “thất kinh”.

Chuyên gia này nhận định: “Nó thậm chí còn siêu việt hơn cả Topol-M, tên lửa từng làm mưa làm gió một thời. Một trong số các đầu đạn của RS-26 có thể chọc thủng bất cứ lá chắn tên lửa của bất cứ quốc gia nào”.

Khi được hỏi về hệ  thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, ông này đánh giá rằng, chúng “hoàn toàn bị vô hiệu hoá” trước RS-26. Với sức mạnh phá huỷ “vô song” của mình, tên lửa RS-26 còn được mệnh danh là “sát thủ ngày tận thế”.

Theo nhận định của chuyên gia trên, siêu tên lửa này của Nga không chỉ làm Mỹ khiếp vía, mà còn khiến Trung Quốc như đang ngồi trên đống lửa. Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh: “Nga hiện đang an toàn 100% chứ không như tất cả các nước khác”.

Vậy điều gì khiến cho RS-26 được mệnh danh là “sát thủ ngày tận thế” khi nó chỉ nặng 80 tấn, tức là chỉ bằng 2/3 so với trọng lượng của người tiền nhiệm RS-24 Yars.

Theo truyền thông Nga, tên lửa RS-26, được phát triển từ tên lửa đạn đạo RS-24 Yars, có thể mang 3-4 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập với sức công phá 150-300 kiloton mỗi đầu đạn và tầm bắn không dưới 11.000km.

RS-26 được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cho phép nó chính xác hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo hiện nay của Nga. Người ta tin rằng, RS-26 có khả năng đột phá những hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất thế giới.

Tên lửa mới được trang bị trên khung gầm xe chuyên dụng MZKT-27291, chiếc xe có 6 trục có khả năng cơ động rất cao. Xe có một mái che đặc biệt để giấu tên lửa bên trong giúp ngụy trang tốt hơn. Thiết kế xe chuyên dụng MZKT-27291 tương tự như xe MAZ-547 trước đây được sử dụng cho tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioner.

RS-26 có khả năng sống sót rất cao nhờ vào khả năng cơ động, nó rất khó bị phát hiện sự di chuyển hoặc khai hỏa. Khi ở trạng thái báo động cao, tên lửa RS-26 có thể di chuyển rời xa các căn cứ và hoạt động tại các khu vực rừng núi. Xe phóng có phạm vi hoạt động tới 500km cho phép tên lửa hoạt động mà không bị phát hiện trên một khu vực tương đương với một quốc gia nhỏ ở châu Âu. Điểm ưu việt của tên lửa RS-26 là mỗi đầu đạn của nó bay theo quỹ đạo mà đối thủ không đoán trước được với tốc độ vượt âm. Vì thế, đối phương không thể vô hiệu hóa đầu đạn đó bằng bất cứ thứ vũ khí gì, cả vũ khí có triển vọng nhất.

RS-26 dài khoảng 12m và chủ yếu trang bị trên bệ phóng di động. Tên lửa đạn đạo RS-26 được trang bị đầu đạn tân tiến nhất, hoàn toàn mới và có khả năng tự phân tách (MIRV).

Trong quá trình triển khai phóng thông thường, xe phóng sẽ được sự hỗ trợ của xe  kiểm soát tín hiệu, xe hậu cần cũng như một số xe quân sự khác để đảm bảo an ninh cho tên lửa. Trong các tình huống khẩn cấp, xe mang phóng có thể hoạt động độc lập mà không cần sự hỗ trợ.

RS-26 đã trải qua 3 cuộc phóng thử nghiệm thành công.


Ý kiến bạn đọc