Philippines hiện đại hóa quân sự để đối phó Trung Quốc

13:48, 31/03/2016
|

(VnMedia) - Philippines có thể sẽ đầu tư xây dựng một hạm đội tàu ngầm đầu tiên của nước này nhằm giúp họ bảo vệ lãnh thổ ở khu vực Biển Đông tranh chấp. Đây là thông tin vừa được Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiết lộ ngày hôm qua (30/3).

Tổng thống Philippines Aquino
Tổng thống Philippines Aquino

Là một nước vốn có quân đội được xem là còn yếu trong khu vực, Philippines trước đây chưa từng sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào và cho đến hiện tại vẫn phụ thuộc phần lớn vào các tàu chiến dư thừa do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh phải đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông, chính quyền Manila đã và đang tăng cường chi tiêu quốc phòng nhằm xây dựng cho họ một lực lượng đủ có thể đáp trả nước láng giềng to lớn.

Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp việc rất nhiều khu vực ở vùng biển chiến lược này thuộc chủ quyền của các nước khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei.

Tổng thống Aquino cho biết, Manila có thể mất quyền kiểm soát toàn bộ khu vực bờ biển phía tây của mình nếu Trung Quốc thành công trong tham vọng độc chiếm Biển Đông dựa trên yêu sách đường 9 đoạn của họ.

Vì thế, "chúng ta phải tăng tốc kế hoạch hiện đại hoá lực lượng vũ trang nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng thủ, tự vệ của mình”, ông Aquino nhấn mạnh như vậy với các phóng viên. Ông này còn nói thêm rằng, “đất nước chúng ta là một điểm trung chuyển tự nhiên đi vào Thái Bình Dương và chúng tôi đang cân nhắc khả năng có cần phải thiết lập một hạm đội tàu ngầm hay không”.

Liệu việc Philippines có ý định xây dựng một hạm đội tàu ngầm có khiến Trung Quốc lo lắng hay không.

Ông Benito Lim – một giáo sư về khoa học chính trị ở trường Đại học Ateneo de Manila, cho rằng, việc mua sắm tàu ngầm sẽ không giải quyết được các cuộc tranh chấp ở Biển Đông bởi Philippines không thể đua được với Trung Quốc về sức mạnh quân sự.

Bất chấp việc Philippines đang tăng chi tiêu quân sự ở mức kỷ lục, mua sắm hàng loạt tàu chiến và chiến đấu cơ thì sự đầu tư vào quân sự của Trung Quốc vẫn lớn hơn rất rất nhiều lần. Ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc năm nay là 147 tỉ USD, gấp khoảng 59 lần so với ngân sách quân sự của Philippines.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Bắc Kinh không thấy lo ngại về kế hoạch quân sự của Philippines.

Nếu như các nước xung quanh Trung Quốc đều cấp tập đầu tư vào vũ khí, vào việc tăng cường sức mạnh quân sự như Philippines thì Bắc Kinh cần phải dè chừng. Chưa kể, bên cạnh Philippines còn các các đồng minh rất mạnh và đang muốn đối phó với Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Australia…

Bản thân Tổng thống Aquino hôm qua cũng phát biểu thẳng thắn rằng, Manila không ảo tưởng về việc chạy đua để có được sức mạnh quân sự bằng Trung Quốc cũng như không có ý lôi kéo bất kỳ ai vào các cuộc chạy đua vũ trang hay đua về sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, Philippines muốn xây dựng cho họ một năng lực phòng thủ đáng tin cậy trước một nước láng giềng như Trung Quốc.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Ý kiến bạn đọc