Nga đưa tàu chiến tên lửa tối tân tới Địa Trung Hải

09:38, 31/03/2016
|

(VnMedia) - Tàu hộ tống tên lửa dẫn đường lớp Buyan-M mang tên Serpukhov của Nga vừa tiến vào Biển Địa Trung Hải, để thực hiện sứ mệnh của lực lượng đặc nhiệm hải quân đang thường trú tại vùng biển này. Đó là thông tin vừa được người phát ngôn của Hạm đội Biển Đen - ông Vyacheslav Trukhachev đưa ra hôm qua (30/3).

“Hôm nay, tàu hộ tống Serpukhov mới nhất của Hạm đội Biển Đen đã dời Sevastopol để gia nhập đội tàu hải quân thường trực trên Địa Trung Hải của Nga”, ông Vyacheslav Trukhachev cho hay.

Tàu Serpukhov dự kiến sẽ thay thế tàu hộ tống tên lửa Zeleny Dol cùng lớp ở Địa Trung Hải. Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận cả hai tàu hộ tống được trang bị tên lửa chống hạm Kalibr này từ đầu năm nay.

Được thiết kế bởi Cục Thiết kế Zelenodolsk và được đóng tại xưởng đóng tàu A.M. Gorky Zelenodolsk, tàu Serpukhov đã được đưa tới Sevastopol hồi tháng 11 năm ngoái và được thượng cờ St.Andrew của Hải quân Nga một tháng sau đó. Tàu Serpukhov và Zeleny Dol là tàu chiến lớp Buyan-M thứ 4 và 5 được đóng theo chương trình đóng tàu hiện tại của Hải quân Nga.

Tàu chiến lớp Buyan-M cùng với tên lửa Kalibr vừa gây kinh ngạc cho siêu cường số 1 thế giới là Mỹ, vì sức mạnh khủng khiếp mà chúng thể hiện trong cuộc chiến của Nga ở Syria. 3 tàu chiến lớp Buyan-M của Hạm đội Caspian đã phóng 26 tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr, vượt 1.500km tiêu diệt chính xác 11 mục tiêu của lực lượng khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Vụ việc này khiến nhiều nước không chỉ sốc trước sức mạnh tên lửa Kalibr, mà còn kinh ngạc trước năng lực của tàu chiến lớp Buyan-M của Nga.

Tàu hộ tống tên lửa lớp Buyan-M là một biến thể nâng cấp từ loại tàu tuần tra Project 21360 ở một số hệ thống điện tử, vũ khí mạnh và thiết kế lại cấu trúc thân tàu. Tuy chỉ có lượng giãn nước 950 tấn, nhưng tàu hộ tống hạm Buyan-M lại được trang bị những hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất của Hải quân Nga và trên thế giới hiện nay.

Vũ khí tấn công chủ lực của tàu hộ tống Buyan-M là 8 tên lửa hành trình Kalibr đặt trong các ống phóng thẳng đứng. Tổ hợp Kalibr trên tàu chiến Buyan-M được trang bị hai loại đạn tên lửa gồm: Đạn chống hạm 3M-54T đạt tầm bắn phóng 440-660km, tốc độ bay siêu âm Mach 2,9, mang đầu đạn 200kg; đạn đối đất 3M-14T đạt tầm bắn 1.500-2.500km, tốc độ cận âm Mach 0,8, mang đầu đạn 450kg. Tùy từng nhiệm vụ tác chiến mà một hoặc cả hai loại tên lửa sẽ được lắp vào bệ phóng thẳng đứng.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị 1 bệ phóng tên lửa phòng không, với 12 đạn tên lửa Igla-1M (3M-47 Gibka) sẵn sàng chiến đấu. Tên lửa Igla-1M có thể tiêu diệt hiệu quả các loại mục tiêu trên không trong cự li tới 15km.

Tàu chiến lớp Buyan-M sử dụng pháo hạm 100mm A-190 có thiết kế góc cạch, tăng khả năng tàng hình trước radar cho tổng thể con tàu. Pháo A-190 đạt tầm bắn hiệu quả 23km, tốc độ bắn 80 phát/phút.

Đặc biệt, để chống lại các mối đe dọa tên lửa chống hạm của đối phương, Buyan-M sử dụng tổ hợp phòng thủ tầm gần 12 nòng 30mm AK-630M-2 Duet, pháo có tốc độ bắn lên tới 10.000 phát/phút.

Tàu hộ tống Buyan-M có chiều dài 74m, rộng 2,6m, cao 11m. Tàu được vận hành bởi có thể di chuyển với tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ, bán kính hoạt động 1.500 hải lý, thời gian hoạt động liên tục 10 ngày.

Việc tàu chiến lớp Buyan-M bắn tên lửa Kalibr đã đánh dấu việc Mỹ mất đi vị thế độc tôn tấn công tầm xa với tên lửa Tomahawk lừng danh. Washington không khỏi choáng váng bởi lâu nay họ vẫn nghĩ Nga không thể có tên lửa hành trình tầm bắn lên tới 1.500km.

Được biết, Nga đã đặt mua tổng cộng 12 chiếc tàu lớp Buyan-M và đã nhận được 8 chiếc, biên chế vào Đội tàu Caspian và Hạm đội Biển Đen.


Ý kiến bạn đọc