EU sắp vỡ trận bẽ bàng trước Nga?

16:58, 15/03/2016
|

(VnMedia) - Những nước ủng hộ Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục trừng phạt kinh tế đối với Nga hôm qua (14/3) khăng khăng cho rằng, các đòn trừng phạt là rất cần thiết vì an ninh của khối. Tuy nhiên, những dấu hiệu về nội bộ mất đoàn kết của EU vì chính sách trừng phạt Nga đang nổi lên ngày một rõ rệt hơn.

Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini
Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini

EU đã tung ra các biện pháp trừng phạt Nga từ cách đây 2 năm vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea và vì cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Nhiều trong số những biện pháp trừng phạt mà EU đang áp dụng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Trong khi một số các nước thành viên EU như các nước cộng hoà Baltic và Ba Lan vẫn cho rằng những biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với cái gọi là "chính sách bành trướng" của Nga thì nhiều nước khác lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Moscow là đối tác thương mại chính, đối tác cung cấp năng lượng chính của liên minh cũng như là người chơi quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Syria.

Ngoại trưởng Lithuania - nước từng là một phần của Liên Xô và từng nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow cho đến năm 1990, cho rằng, việc cần Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria không có nghĩa là EU nên thoả hiệp trong vấn đề ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

"Chúng ta phải có cái nhìn đúng mức về việc chúng ta đang ở đâu. Chúng ta không nên lẫn lộn mọi thứ. An ninh của chúng ta phải nên được đặt lên hàng đầu”, Ngoại trưởng Linas Linkevicius đã nói như vậy khi ông này đến tham dự cuộc họp thường kỳ của Ngoại trưởng các nước EU ở Brussels ngày hôm qua.

Chia sẻ lập trường trên, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho hay: "Chúng ta phải mạnh mẽ trong việc thể hiện lập trường và bảo vệ các nguyên tắc của chúng ta, giá trị cũng như các đường biên giới của chúng ta ở Châu Âu".

Theo dự kiến, EU sẽ có cuộc họp vào tháng Bảy tới để quyết định xem liệu họ có tiếp tục thực thi những đòn trừng phạt về quốc phòng, năng lượng và tài chính nhằm vào Nga hay không.

Tại cuộc họp ngày hôm qua, chính sách của EU đối với Nga lần đầu tiên trong vòng hơn một năm qua trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini bày tỏ hy vọng, cuộc họp lần này sẽ “tái khẳng định sự đoàn kết của liên minh”. Tuy nhiên, mong muốn của bà Mogherini không phải là điều dễ thực hiện.

Mâu thuẫn nổi rõ

Theo tiết lộ của một số nhà ngoại giao, cuộc họp đang diễn ra của EU sẽ không động chạm trực tiếp đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì sợ điều đó sẽ làm khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ EU. Thay vào đó, giới chức EU sẽ tìm cách đánh giá, thăm dò lập trường của ngoại trưởng các nước thành viên trước khi chính thức đưa các biện pháp trừng phạt Nga ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước EU vào tháng Sáu tới.

"Tôi mong sẽ có được sự đánh giá thực sự đối với tình hình hiện tại bởi chúng tôi đang có những ý kiến rất khác nhau về việc EU đang đứng ở đâu trong quan hệ với Nga”, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski cho hay.

Italy, Hy Lạp, Cyprus và Hungary là một vài trong số những nước tỏ ra hoài nghi nhất về chính sách trừng phạt Nga. Trong khi đó, tầng lớp nông dân Châu Âu vốn phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu sản phẩm sang Nga đang tha thiết muốn mở lại thị trường rộng lớn này.

Italia và Hungary, hai đồng minh thân điện Kremlin nhất ở Châu Âu, hôm qua đã tuyên bố, sẽ không có chuyện tự động kéo dài thời hạn trừng phạt Nga. Đây là dấu hiệu công khai rõ rệt nhất từ trước đến nay về sự rạn nứt trong nội bộ EU trong lập trường về chính sách đối với Nga.

EU trên thực tế ban đầu không hề muốn trừng phạt Nga bởi hơn ai hết họ hiểu rõ hậu quả của việc “ra đòn” với đối tác thương mại, năng lượng quan trọng hàng đầu của họ. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của đồng minh Mỹ, EU đã buộc phải thực thi chính sách trừng phạt Nga.

Mỹ không tránh khỏi quan ngại trước khả năng EU vỡ trận trước Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi cuối tuần vừa rồi tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh rằng, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây phải có điều kiện, cụ thể là Nga phải tuân thủ theo các điều khoản được đưa ra trong thoả thuận hoà bình Minsk.


Ý kiến bạn đọc