Đức "làm thân" với Nga sau hành động phũ phàng?

14:50, 28/03/2016
|

(VnMedia) - Đức mới đây đã bất ngờ lên tiếng khen ngợi Nga đồng thời kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa Moscow với phương Tây. Diễn biến này khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng Đức đang muốn “làm lành” trở lại với Nga sau những hành động phũ phàng liên tiếp trong nhiều tháng trước đó.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier

Tờ báo Berliner Morgenpos của Đức hôm qua (27/3) dẫn lời Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier cho biết, thoả thuận ngừng bắn ở Syria đã trở thành “cú giáng mạnh nhất” vào lực lượng khủng bố và điều này không thể đạt được nếu không có vai trò của Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Đức nói rằng, ông đánh giá cao sự đóng góp của Nga trong tiến trình hoà bình ở Syria đồng thời lên tiếng kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa Moscow và phương Tây.

"Thoả thuận ngừng bắn, việc các phái đoàn nhân đạo được tiếp cận với những khu vực gặp khó khăn ở Syria, sự khởi đầu của tiến trình đàm phán tại Geneva – tất cả những điều này đều không thể có được nếu không có sự tham gia, đóng góp mang tính xây dựng của Nga”, Ngoại trưởng Đức Steinmeier thừa nhận.

Theo ông Steinmeier, thoả thuận ngừng bắn đang được áp dụng ở Syria là đòn giáng mang tính quyết định nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh. Thoả thuận ngừng bắn này có hiệu lực từ hôm 27/2 và nó đã được duy trì tương đối tốt dù còn một vài những vi phạm nhỏ.

"Ít nhất cho đến bây giờ, quân chính phủ và phe đối lập đã không còn phá huỷ lẫn nhau mà thay vào đó có thể tập trung mọi nỗ lực cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng”, ông Steinmeier phát biểu.

Theo vị chính khách cấp cao của Dức, có nhiều lý do thúc đẩy Moscow can dự vào tình hình Syria, trong số đó có nỗ lực muốn kiềm chế mối đe doạ từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và mong muốn tạo ra một vùng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh, Nga không muốn “tiếp tục tình trạng hỗn loạn kéo dài và sự tàn phá hoàn toàn của những cấu trúc quốc gia trong khu vực”.

Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Steinmeier đã cho thấy, giới chức Đức không chỉ thừa nhận mà còn đề cao vai trò của Nga trong việc tháo gỡ tình hình ở Syria - một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh Đức đang cùng phương Tây tham gia cuộc đối đầu căng thẳng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, Nga và Đức vốn được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.

Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng. Berlin đã khiến Moscow thất vọng khi cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lập một “thế trận” bao vây, dồn ép Nga. Phương Tây đã đổ lỗi cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và vì thế đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc “quay ngoắt 180 độ”, trở thành nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.

Quan hệ Nga-Đức xấu đi ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Nền kinh tế Nga thời gian qua đã lao đao vì những đòn trừng phạt của phương Tây. Đức cũng chẳng hơn gì khi là một trong những nước phải hứng đòn đau nhất trong EU do hậu quả “gậy ông đập lưng ông” gây ra từ chính sách trừng phạt Nga.

Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy, nhiều nước thành viên EU đang muốn khôi phục lại quan hệ với Nga.


Ý kiến bạn đọc