6 nước liên quan đến sông Mekong họp thượng đỉnh

16:04, 23/03/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc hạn hán và xâm mặn khu vực hạ lưu Sông Mekong, hôm nay - 23/3, lãnh đạo của 6 nước có liên quan đến sông Mekong có cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố Tam Á, trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Các bên tham gia gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia - là 4 thành viên Ủy hội Sông Mekong, cùng với Trung Quốc và Myanmar - đối tác đối thoại của Ủy hội.

Việt Nam nằm trên vùng hạ lưu sông Mekong.
Việt Nam nằm trên vùng hạ lưu sông Mekong hiện đang chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm mặn..

Cuộc họp thượng đỉnh sẽ kéo dài hai ngày, theo đó, các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo nhiều vấn đề, bao gồm chính trị, phát triển kinh tế, an ninh, môi trường và văn hóa, có liên quan đến dòng sông này.

Các chủ đề rộng lớn, như vấn đề hạn hán, việc xây dựng các con đập làm hạn chế dòng chảy dự kiến có thể không được bàn thảo nhiều. Việc quản lý nước sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp này và sẽ có những thảo luận về kinh tế và phát triển bền vững.

Mới đây, phát ngôn viên Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Suphot Tovichakchaikul cho hay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ thông tin về việc quản lý các đập trên dòng Mekong mà Trung Quốc gọi là sông Lan Thương.

Động thái này nhằm giảm tác động của các đập đối với hàng triệu người sống ở vùng hạ lưu sông.

Người dân đánh cá trên sông Mekong.
sông Mekong tạo nguồn sống cho hàng triệu người từ công việc đánh bắt cá.

Ông Suphot cũng cho biết, Trung Quốc cam kết sẽ được đưa vào Tuyên bố Tam Á trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kể trên. Tuyên bố sẽ đặt ra định hướng về hợp tác giữa 6 nước thuộc Thỏa thuận Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết tăng cường hợp tác nghiên cứu chung về lũ lụt, hạn hán, chất lượng nước và quản lý nước trong vùng Mekong.

Liên quan đến cuộc họp thượng đỉnh này, bà Pianporn Deetes - thuộc tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nói việc Trung Quốc ngỏ lời chia sẻ thông tin về quản lý đập tuy “đáng được hoan nghênh” nhưng chưa đủ. Bà quả quyết, các tác động đã có thể thấy rõ và phía Trung Quốc chưa đền bù hay khắc phục, dù mức độ nghiêm trọng của vấn đề rất hiển nhiên.

Bà Pianporn khẳng định, Trung Quốc phải đồng ý quản lý nguồn nước chung vì một nước đơn độc không thể quản lý sông Mekong khi có quá nhiều lợi ích gặp nguy cơ. Bà cho rằng bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái phải là ưu tiên hàng đầu đối với việc phát triển bền vững của tất cả các nước quanh sông Mekong.

Thanh Trà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc