Ukraine khiến đồng minh phương Tây thất vọng não nề

11:11, 15/02/2016
|

(VnMedia) - Thất bại của Ukraine trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng đang thử thách sự kiên nhẫn của các đồng minh phương Tây đồng thời gây ra nguy cơ về một cuộc hỗn loạn chính trị, kinh tế mới ở quốc gia Đông Âu đang chìm trong nội chiến.

Tổng thống Ukraine Poroshenko và Giám đốc IMF Lagarde
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Giám đốc IMF Lagarde

Chính quyền của Tổng thống thân phương Tây - Petro Poroshenko mới đây đã nhận được lời cảnh báo nghiêm khắc nhất từ người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Bà Lagarde là kiến trúc sư cũng là một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho kế hoạch giải cứu tài chính cho Ukraine.

"Tôi rất lo ngại về sự tiến triển chậm chạp trong cuộc chiến chống tham những cũng như cải thiện năng lực quản trị của Ukriane”, Giám đốc điều hành IMF – bà Lagarde cho biết trong một tuyên bố với những lời lẽ mạnh mẽ một cách khác thường.

"Ukraine có nguy cơ quay trở lại mô hình các chính sách kinh tế thất bại từng khiến nước này khốn đốn trong thời gian gần đây”, bà Lagarde nhấn mạnh.

Thông điệp của bà Lagarde đã đánh trúng vào mối quan ngại sâu sắc của người dân Ukraine lúc này. Họ đã tham gia nhiệt tình vào làn sóng biểu tình kéo dài 3 tháng, giúp lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2 năm 2014. Những người dân Ukraine đã chờ đợi sự thay đổi đột phá. Họ đã đặt biết bao kỳ vọng vào chính quyền mới. Tuy nhiên, thứ mà họ nhận được sau hai năm thực hiện cuộc cách mạng Maidan chỉ là sự thất vọng não nề.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, công chúng ngày càng chán nản, bất mãn với chính quyền của Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Họ đã mất dần hy vọng vào việc Ukraine có thể loại bỏ được nạn tham ô, hối lộ và cửa quyền.

Sự lo lắng, thất vọng của người dân Ukraine có thể được gói gọn trong sự ra đi gây choáng váng vừa rồi của chính trị gia có tư tưởng cải cách Aivaras Abromavicius. Ông này đã từ chức Bộ trưởng Kinh tế để phản đối sức ép từ một trogn những thành viên cấp cao nhất trong nội bộ chính quyền Kiev.

Ông Abromavicius thẳng thừng tuyên bố, ông không thể chịu đựng nổi áp lực từ giới doanh nhân trong bóng tối đang tìm cách vun vén lợi ích cho mình thông qua ngành công nghiệp năng lượng và quốc phòng còn nhiều mờ ám.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby miêu tả ông Abromavicius là "một trong những lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước Ukraine lên trên lợi ích cá nhân của bản thân”.

Tuyên bố của ông Kirby dường như phát đi tín hiệu cho thấy Washington bắt đầu thực sự quan ngại về thế hệ lãnh đạo mới ở Kiev mà họ từng đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng về việc sẽ giúp Ukraine thay đổi.

Trước sự thất vọng của phương Tây và cả người dân Ukraine, Tổng thống Poroshenko đã cam kết trong một cuộc điện đàm với Giám đốc IMF Lagarde rằng chính quyền của ông này sẽ vạch ra “một lộ trình để tiến hành các cuộc cải cách được ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Ukraine và IMF".

Bà Lagarde thẳng thừng cho biết, “rất khó để có thể thấy chương trình được IMF hỗ trợ trị giá 40 tỉ USD có thể tiếp tục” nếu Ukraine không thực hiện cam kết cải cách toàn diện, triệt để.

Cả Thủ tướng Yatsenyuk và Tổng thống Poroshenko đều biết họ không thể tồn tại mà không có sự giúp đỡ từ nước ngoài và rằng cuộc bầu cử quốc hội sớm có thể sẽ khiến giới nghị sĩ thân Nga nổi lên chiếm quyền kiểm soát.

Đây không phải là lần đầu tiên có tin về việc phương Tây đang dần mất đi niềm tin vào Kiev. Thậm chí, nhiều nhà phân tích cho rằng, phương Tây giờ đây sẵn sàng quay lưng với chính quyền của Tổng thống Poroshenko.


Ý kiến bạn đọc