Su-35 của Nga khiến kẻ thù "hồn xiêu phách lạc"?

07:01, 10/02/2016
|

(VnMedia) - Báo chí rộ lên tin Nga đã tái triển khai những chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-35S đến chiến trường Syria. Loại chiến đấu cơ được NATO đặt tên là Flanker-E này được đánh giá là chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Sự có mặt của Su-35S được cho là sẽ khiến cho kẻ thù của Nga ở Syria kinh hãi.

Su-35
Su-35

Su-35S bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu ở căn cứ không quân Khmeimim của Syria từ hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Sự kiện Nga tái triển khai những chiếc chiến đấu cơ thiện chiến, tinh vi Su-35S đến căn cứ không quân Khmeimim ở Syria đã thu hút sự quan tâm rất lớn của báo chí Nga cũng như báo chí nước ngoài. Cụ thể, diễn biến này đã được đề cập chi tiết trên tạp chí Stern của Đức và báo chí Mỹ như The National Interest và The Washington Times.

Tờ Stern của Đức nhấn mạnh, Su-35 của Nga được xem là loại chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-22 của Mỹ không hề được đã động đến dù nó vốn là niềm tự hào của siêu cường số 1 thế giới.

Theo tạp chí Stern, Su-35S có ưu điểm là tính cơ động cao, được trang bị hệ thống radar Irbis tối tân nhất và hoạt động bằng các động cơ được nâng cấp. Chiến đấu cơ Su-35S mang công nghệ thế hệ mới nhưng đồng thời có giá cả tương đối rẻ so với những phiên bản tương tự mới nhất từ phương Tây. Tạp chí Stern chờ đợi phi cơ chiến đấu Su-35S sẽ trở thành “mặt hàng” gây sốt trên thị trường vũ khí thế giới.

Trong khi đó, tạp chí The National Interest đưa tin, giới chức quân sự Mỹ hoàn toàn ấn tượng với phiên bản Flanker mới nhất của Nga. “Đó là một chiếc máy bay tuyệt vời và rất nguy hiểm, đặc biệt nếu họ sản xuất nhiều chiếc chiến đấu cơ loại này”, tạp chí về các vấn đề quốc tế dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ có nhiều kinh nghiệm về chiến đấu cơ thế hệ thứ năm cho biết.

 Về phần mình, tờ The Washington Times nhận định, việc tái triển khai Su-35 của Nga đến Syria cùng với hệ thống phòng không tối tân S-400 là hành động nhằm phát đi thông điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Nga có thể “bảo vệ các máy bay của mình ở bất kỳ nơi đâu với những hệ thống vũ khí ngang bằng hoặc thậm chí là có năng lực hơn những thứ mà NATO đang có”.

Chiến đấu cơ tối tân Su-35 sẽ có thể chứng minh sức mạnh chiến đấu của mình trong các điều kiện ở Syria và góp phần vào việc tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của lực lượng khủng bố, một quan chức quân sự Nga cho hay.

Theo vị quan chức trên, chiến đấu cơ Su-35, giống như Su-30SM được triển khai trước đó ở Syria, có khản ăng “thực hiện nhiệm vụ cả tấn công các mục tiêu trên không lẫn mục tiêu dưới mặt đất với sự hiệu quả như nhau”.

Việc Nga triển khai chiến đấu cơ tối tân của mình đến Syria còn nhằm là để thử thách sức mạnh của chúng trong các điều kiện chiến đấu, vị tướng Nga cho biết thêm.

Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga. Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Sự xuất hiện của Su-35 trên chiến trường ở Syria chắc chắn sẽ khiến các kẻ thù của Nga khiếp sợ. Moscow đã chính thức tham chiến ở Syria từ hôm 30/9 năm ngoái bằng việc phái một lực lượng chiến đấu cơ hùng hậu đi thực hiện chiến dịch tiêu diệt tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga đang đối mặt với sự nghi ngờ của phương Tây. Mỹ cùng các đồng minh cáo buộc lực lượng Nga đang oanh kích vào các mục tiêu là phe đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chứ không phải IS. Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định các cuộc không kích của họ là nhằm vào IS và các lực lượng khủng bố khác.

Chiến dịch chống IS của Nga được đánh giá là thành công khi đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh của lực lượng khủng bố khét tiếng thế giới này. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, các cuộc oanh kích của Nga đã góp phần giúp quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đang thắng như chẻ tre trên chiến trường trong cuộc chiến chống lại cả phe nổi dậy lẫn lực lượng khủng bố.


Ý kiến bạn đọc