NATO "vào cuộc" giải quyết khủng hoảng di cư

14:35, 10/02/2016
|

(VnMedia) - Hy Lạp để ngỏ khả năng để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia hỗ trợ kiểm soát dòng người di cư.

Hy Lạp sẽ để ngỏ khả năng thảo luận với NATO về việc để khối này tham gia giám sát dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp để đến châu Âu. Đây là khẳng định của người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Olga Gerovassilis trước báo giới ngày 9/2.

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp cũng nhấn mạnh, sự tham gia của NATO vào hoạt động này sẽ bị giới hạn trong một số điều kiện nhất định, bao gồm việc phải chú ý tới vùng lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không được ảnh hưởng đến quyền chủ quyền của Hy Lạp cho dù bằng phương thức gì.

Bà Olga cũng nhấn mạnh, ý tưởng để NATO tham gia vào hoạt động kiểm soát dòng người di cư cũng đã được đề cập trong tuyên bố chung mới đây giữa Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu và Thủ tướng Đức trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra vào tuần tới, Hy Lạp đã nhận được lời cảnh báo của Liên minh châu Âu rằng, nước này có thể bị tạm thời trục xuất tư cách thành viên của khu vực miễn thị thực Schengen trong trường hợp không thực hiện đầy đủ cam kết đúng hạn.

Theo cam kết giữa Hy Lạp và Liên minh châu Âu, đến ngày 15/2 tới, Hy Lạp phải có 5 điểm kiểm soát người di cư xung quanh các đảo của Hy Lạp và 2 trung tâm tái bố trí người di cư ở đảo chính.

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có một điểm kiểm soát hoạt động tại đảo Lesvos. Hy Lạp cũng cần phải sắp xếp chỗ ở phù hợp cho người di cư trong thời gian họ chờ làm thủ tục xin tị nạn, đẩy nhanh việc hồi hương đối với những trường hợp bị từ chối và siết chặt tuần tra biên giới.

Đức-Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ đối phó khủng hoảng người tị nạn

Trước đó, sáng 8/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Ancara để thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, giúp hạn chế dòng người tị nạn đổ vào châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc thảo luận, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định Ancara không thể một mình giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, vốn đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bên liên quan.

Ông Davutoglu cho biết Ancara sẽ đẩy mạnh hợp tác và siết chặt các biện pháp nhằm chống nạn đưa người trái phép vào châu Âu, trong đó có thể trừng phạt các đơn vị, công ty sản xuất thuyền cho lực lượng buôn người.

Ông cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Đức sẽ thực hiện một chương trình chung, kết hợp với các tổ chức cứu trợ, để hỗ trợ lập tức cho người tị nạn ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông cũng nêu rõ khoản tài chính 3 tỷ euro mà châu Âu cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ không phải được dành một cách chung chung cho Ancara, mà để giải quyết các vấn đề liên quan cho người tị nạn hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel cho biết đã thảo luận cụ thể và chi tiết với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về các biện pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, trong đó một trong những chủ đề chính là nạn di cư bất hợp pháp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cần phải tăng cường giám sát khu vực biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm ngăn chặn nạn đưa người bất hợp pháp vào châu Âu, trong đó có thể có sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kế hoạch cụ thể liên quan sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO thảo luận tại hội nghị trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex).

Nhà lãnh đạo Đức cũng kêu gọi cần phải thống nhất trong châu Âu về một hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Về các vụ oanh kích mới nhất của Nga ở Syria, Thủ tướng Merkel cho biết Berlin và Ancara kêu gọi Moskva tôn trọng các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan vấn đề Syria.


Ý kiến bạn đọc