Đức hối hận vì phũ phàng bỏ rơi "bạn thân" Nga?

18:45, 01/02/2016
|

(VnMedia) - Người Nga đang ngày càng trở nên thiếu tin tưởng và hoài nghi về Đức, cựu lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và cũng là Chủ tịch Diễn đàn Nga-Đức – ông Matthias Platzeck hôm qua (31/1) đã phát biểu như vậy.

Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Thủ tướng Đức Merkel
Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Thủ tướng Đức Merkel

"Những người bạn Nga của tôi nói rằng, trước đây họ đánh giá rất cao uy tín và danh tiếng của Đức nhưng bây giờ thái độ của họ gần như đảo ngược”, ông Platzeck tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Tagesspiegel.

Cụ thể, nhiều người Nga tỏ ra rất phẫn nộ trước lập trường của Đức đối với Thế Vận hội Olympics Mùa đông ở Sochi của Nga năm 2014 cũng như các biện pháp trừng phạt và vụ sáp nhập Crimea vào Nga.

"Phản ứng trên phần lớn là phi lý", nhà chính khách Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, sở dĩ người Nga có cảm xúc như vậy là do những sai lầm nhất định của Berlin.

"Sai lầm chính của chúng ta trong quan hệ với Nga là tin rằng, hệ thống và các giá trị của chúng ta tốt hơn và rằng người Nga nên chạy theo để đạt được những điều đó”, ông Platzeck cho biết.

Vị chính khách Đức cho biết thêm, Nga có cách nghĩ khác và không thể đi theo con đường lịch sử của Đức.

Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.

Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng.

Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.

Một nhà phân tích từng nhận định, cuộc khủng hoảng Ukaine đã giết chết giấc mơ liên minh Nga-Đức – một giấc mơ được ông Jean-Francois Thiriart đề xuất vào những năm 1960. Theo đề xuất này, Nga và Đức sẽ thiết lập một liên minh ở Châu Âu nhằm làm đối trọng với siêu cường Mỹ.

Quan hệ Nga-Đức xấu đi ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Nền kinh tế Nga thời gian qua đã lao đao vì những đòn trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Đức cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Đức là nước được cho là phải hứng đòn đau nhất do hậu quả “gậy ông đập lưng ông” gây ra từ chính sách đối đầu, trừng phạt Nga.

Moscow đương nhiên không thể tránh khỏi cảm giác thất vọng về Berlin bởi Đức đã vội vàng quay lưng với họ bất chấp hai nước nước từng gắn bó sâu sắc vì sợi dây kết nối liên quan đến lịch sử, địa lý, kinh tế, thương mại....


Ý kiến bạn đọc