"Độc đáo" phong tục... mặc nội y đẹp đón chào năm mới

13:44, 06/02/2016
|

(VnMedia) Mặc đồ lót đẹp; mỗi ngày ăn 7 bữa; Chửi mắng và đánh nhau; rủ nhau ra nghĩa địa... là những phong tục đón năm mới của người dân một số nước trên thế giới.

Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ luôn được mọi người ở mọi nơi trên thế giới, không phân biệt sắc tộc, địa lý, văn hóa mong đợi và hân hoan chào đón với những niềm tin và hy vọng mới.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa khác nhau lại có cách chào đón năm mới khác nhau. Trên thế giới, có không ít quốc gia có những phong tục đón năm mới rất độc đáo và kỳ lạ, trong đó những phong tục lạ nhất thường đến từ các quốc gia thuộc châu Mỹ.

Mặc nội y đẹp 

Đây cũng là một phong tục đón năm mới độc đáo của một số quốc gia thuộc Châu mỹ như Mexico, Venezuela, Bolivia, và Brazil.

Theo đó, một số người, đặc biệt là phụ nữ đang “ế” sẽ mặc những bộ đồ lót đẹp nhất có màu đỏ hoặc màu vàng với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu.

Chửi mắng và đánh nhau

Đây là một phong tục cực kỳ kỳ quặc trong dịp năm mới, xuất hiện tại làng Chumbilbilca của Peru khi người dân ở đây ăn mừng lễ hội đón năm mới mang tên Takanakuy bằng cách mắng chửi và đánh nhau để... thắt chặt tình đoàn kết. Họ tin rằng mắng nhau và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới. Dù không mang găng tay hay áo giáp thi đấu, nhưng rất ít người dân bị chấn thương nghiêm trọng.

Và lễ hội Takanakuy kết thúc trong những màn nhảy múa chúc mừng năm mới.

Phong tục ăn nho

Ăn nho là phong tục đón giao thừa độc đáo của người dân nhiều quốc gia châu Mỹ, đặc biệt là Mexico.

Trong thời khắc đón chào năm mới, người Mexico thường tụ họp với người thân và bạn bè. Đêm giao thừa (ngày 31/12), người dân nước này có phong tục đặc biệt như quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè và mở ti-vi lên để chờ hồi chuông báo hiệu 12 giờ, mỗi lần đồng hồ gõ 1 tiếng. Mỗi lần chuông ngân, người dân lại ăn một quả nho (một quả tượng trưng cho một điều may mắn trong 12 tháng trong năm mới) và ước một điều ước, sau đó mọi người ôm nhau và chúc nhau năm mới vui vẻ.

Không chỉ ở Mexico, phong tục ăn nho vào đêm giao thừa còn xuất hiện ở các quốc gia châu Mỹ khác như Venezuela, Tây Ban Nha, Cuba. Tuy nhiên, ở Cuba, thay vì ăn 12 quả nho thì người dân sẽ nuốt 12 hạt nho tương ứng với 12 tiếng chuông đồng hồ.

Phong thục đốt hình nhân

Phong tục đốt hình nhân vào đêm giao thừa có ở một số quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, việc đốt hình nhân lại mang một hàm nghĩa khác nhau.

Ở Panama, theo truyền thống, người ta thường mang các hình vẽ những người nổi tiếng đốt cháy để đón chào năm mới. Đó có thể là những nhân vật hay xuất hiện trên truyền hình hoặc các chính trị gia nổi tiếng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp xua đuổi tà ma, những điều xấu trong năm cũ, để bắt đầu một năm mới suôn sẻ và không gặp bất cứ trở ngại nào.

Còn ở Colombia, người dân thường đón năm mới với phong tục "đốt" năm cũ. Phong tục này có sự tham gia của toàn thể gia đình.

Để chuẩn bị đón năm mới, mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan của người Colombia.

Đốt hình nộm cũng là một phong tục đón năm mới rất độc đáo ở Peru. Suốt những ngày gần sang năm mới, người ta có thể thấy ở rất nhiều nơi trong thành phố Lima, thủ đô Peru bày bán những hình nộm của những người được coi là “kẻ thù chung của dân tộc” hay những người không được dân chúng nước này yêu mến.

Tục xông đất và đốt lửa

Tục xông đất không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở Scotland. Trong suốt lễ Hogmanay (lễ hội mừng năm mới của người Scotland), người Scotland tin rằng, người nào đặt chân vào nhà mình đầu tiên sẽ là người mang theo may mắn vào nhà.

Ngoài ra, người Scotland cũng có tục đốt lửa vào năm mới. Hầu hết ở những ngôi làng nhỏ đánh cá của Stonehaven, những người đàn ông diễu hành qua các con phố cùng với những quả cầu lửa, biểu tượng cho mặt trời.

Tục phun nước và té nước

Đây là một truyền thống đón tết của người dân Cuba.

Tục lệ cổ cho rằng đối với năm sắp qua phun nước là cách tốt nhất để mở ra “một con đường sáng sủa”. Vì thế, trong ngày năm mới, có bao nhiêu nước trong nhà, người dân Cuba đều đem phun hết ra ngoài qua các cửa sổ. Đêm giao thừa, ở cửa sổ các nhà, nước được đổ ào ào... để lấy may mắn.

Còn ở Lào, người ta cũng có tục té nước vào năm mới. Theo đó, sáng đầu năm, mọi người thường mặc quần áo đẹp, và đem theo một hộp, chậu, chai lọ… đựng nước đi chúc Tết. Người được chúc phải đứng yên cho người đến chúc té nước vào người. Mọi người tin rằng người nào “được” ướt nhiều, năm đó sẽ được nhiều may mắn, hạnh phúc.

Tục tưới nước này còn thấy ở nhiều nước khác như Myanmar. Năm mới trùng vào thời kỳ nóng rực nhất trong năm, cho nên người ta tổ chức “Ngày hội nước”. Mọi người đều dùng đủ mọi thứ có trong tay như: xô, gầu, chậu… để tưới nước cho nhau. Chẳng một ai tránh né được, ngay cả các quan chức.

Một ngày ăn bảy bữa

Theo truyền thống, người Estonia sẽ cố gắng ăn bảy bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng, đó là hành động đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, thì người ta tin rằng anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.

Đón năm mới ở… nghĩa địa

Đây là một cách đón năm mới có một không hai của người dân Chile.

Đã thành thông lệ như khoảng 11 năm trước, những người dân của Tacla (một thành phố nhỏ thuộc Chile) đều đón năm mới bên những người họ hàng của mình tại nghĩa địa thành phố dù họ đều đã “sang thế giới bên kia”.

Khi cha xứ kết thúc bài kinh của mình, vào lúc 11 giờ đêm, thị trưởng thành phố sẽ mở cánh cửa của nghĩa trang. Tất cả mọi người đều được chào mừng trong những ánh đèn mờ ảo và những điệu nhạc cổ điển.

Phong tục này cũng đã có từ năm 1995, và giờ đã có hơn 5,000 người chấp nhận cách chào đón năm mới kì lạ này.

 


Ý kiến bạn đọc