Chiến đấu cơ uy lực nhất thế giới gầm rú đe dọa Triều Tiên

20:02, 17/02/2016
|

(VnMedia) - 4 chiến đấu cơ uy lực nhất giới F-22 của Mỹ hôm nay (17/2) vừa có chuyến bay thị uy trên bầu trời Hàn Quốc trong một cuộc phô trương sức mạnh được cho là nhằm thẳng vào Triều Tiên. Diễn biến này diễn ra ngay sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp có các hành động thách thức cao độ, khiến các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nổi giận đùng đùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, 4 chiếc F-22 Raptor được nhìn thấy bay ở độ cao rất thấp trên bầu trời của căn cứ US Osan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc về phía nam chỉ khoảng 35 dặm. Cùng tham gia với 4 chiếc F-22 còn có 4 chiến đấu cơ của Mỹ và 4 chiến đấu cơ của Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng có thể xem sự kiện trên là mối đe dọa đối với họ bởi đây rõ ràng là hành động phô trương hỏa lực của Mỹ nhằm thể hiện cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước bất kỳ hành động gây hấn nào từ nước láng giềng Triều Tiên.

Theo Yonhap, các nguồn tin quân sự tiết lộ, sẽ chỉ có hai chiếc F-22 được triển khai ở Hàn Quốc “trong một thời gian”. Trong khi đó, 2 chiếc F-22 còn lại sẽ quay trở về căn cứ ở Mỹ.

Phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo, Tư lệnh Không quân Mỹ - Tướng Terrence O'Shaughnessy cho hay, chuyến bay của F-22 trên bầu trời Hàn Quốc ngày hôm nay là dấu hiệu thể hiện “cam kết sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ. F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới.

F-22 được xem là loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong. Nó gia nhập Không lực Mỹ vào tháng 12/2005. Luật Mỹ cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình bảo bối F-22 này.

Mỹ thường đưa những chiếc chiến đấu cơ mạnh nhất, thiện chiến nhất của nước này đến Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Tháng trước, Mỹ vừa phái một chiếc máy bay ném bom hạt nhân B-52 đến Hàn Quốc sau khi Triều Tiên gây rúng động thế giới bằng một vụ thử hạt nhân thứ tư.

Khi cộng đồng thế giới còn chưa hết tức giận trước vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên hồi đầu tháng 1 thì ngay đầu tháng 2, Bình Nhưỡng lại giáng thêm một đòn mới bằng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa.

Sự thách thức của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un đã đến ngưỡng mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không thể giữ được kiên nhẫn.

Giới phân tích nước ngoài tin rằng, vụ thử hạt nhân và tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã giúp nước này tiến thêm một bước trên con đường chính phục mục tiêu chế tạo được một loại tên lửa hạt nhân có thể vươn tới đất Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày hôm qua (16/2) đã tung ra cảnh báo ớn lạnh chưa từng có, theo đó bà này cho rằng chính quyền Triều Tiên sẽ phải đối  mặt với sự sụp đổ nếu không từ bỏ tham vọng về chương trình hạt nhân.

Việc một quan chức Hàn Quốc công khai động chạm đến vấn đề sụp đổ chính quyền là điều bất thường bởi Seoul lâu nay vẫn rất lo lắng, thận trọng trước sự nhạy cảm của chính quyền Triều Tiên khi nói về sự mất quyền lực. Bình Nhưỡng từ lâu vẫn cáo buộc Washington và Seoul tìm cách lật đổ chính quyền của họ.

Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tại đang “nóng” hơn bao giờ hết. Sau vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Seoul đã chính thức chấp nhận đàm phán với đồng minh Washington về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi và tối tân THAAD trên lãnh thổ của mình để răn đe Triều Tiên. Đồng thời, Hàn Quốc tuyên bố cuộc tập trận quân sự chung hàng năm sắp tới giữa họ với Mỹ trong mùa xuân này sẽ là cuộc diễn tập lớn nhất từ trước đến nay.

Những diễn biến cho thấy, Hàn Quốc đã sẵn sàng đối đầu quyết liệt với Triều Tiên thay vì tránh né để làm dịu tình hình. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn khiến Triều Tiên nổi giận, bởi Bình Nhưỡng tin rằng các cuộc diễn tập quân sự như vậy thực ra là một cuộc tập dượt cho một cuộc xâm lược nhằm vào Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau, bởi hai nước mới kết thúc cuộc chiến tranh năm 1950-1953 giữa họ bằng một lệnh ngừng bắn chứ chưa phải là một hiệp ước hòa bình.


Ý kiến bạn đọc