Trung Quốc tự chuốc họa vào thân, Mỹ hả hê?

13:11, 23/01/2016
|

(VnMedia) - Mỹ không tìm kiếm một cuộc xung đột với Trung Quốc nhưng những bước đi mà cường quốc Châu Á thực hiện ở Biển Đông đang khiến nước này bị cô lập và làm cho các nước khác đổ xô đi tìm sự giúp đỡ từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua (22/1) đã tuyên bố như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Tôi không phải là một trong những người tin rằng một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Đây chắc chắn là điều không ai mong muốn và tôi không nghĩ điều đó có thể xảy ra”, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

"Chúng tôi không tìm cách bảo mọi người đứng về bên nào. Chúng tôi biết rất rõ mọi người đang ngày càng hướng về phía chúng tôi. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì Trung Quốc đang có những bước đi mà tôi e ngại là đang làm họ bị cô lập, đẩy mọi thứ đi đến một kết cục mà chẳng ai trong chúng ta muốn”, ông Carter thẳng thắn cho biết, ám chỉ đến những biện pháp sai lầm mà Trung Quốc liên tiếp thực hiện ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Tham vọng của Trung Quốc gây lo ngại với cộng đồng thế giới. Mỹ tin rằng, hành động của Trung Quốc gây đe doạ đối với sự tự do hàng hải ở Biển Đông chiến lược và sau thời gian chần chừ, né tránh một cách thận trọng, Mỹ bắt đầu công khai thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington liên tục nhấn mạnh nước này không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Đáp lại, Trung Quốc khăng khăng cho rằng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc với các nước có tranh chấp trực tiếp. Bắc Kinh không ít lần lên tiếng cảnh báo các cường quốc, trong đó có Mỹ, tránh xa Biển Đông. Ngay cả việc đưa vấn đề Biển Đông ra ASEAN cũng bị Trung Quốc phản đối bất chấp thực tế là có đến 4 nước trong ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và các nước khác đều có lợi ích ở Biển Đông.

Trung Quốc luôn đòi tự giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với riêng từng nước trên cơ sở song phương. Sở dĩ Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, muốn giải quyết trên cơ sở song phương là do nước này muốn dùng sức mạnh của nước lớn để ép các nước nhỏ đang có tranh chấp với họ để dễ bề giành ưu thế. Tuy nhiên, đây là điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận.


Ý kiến bạn đọc