Tên lửa phòng không "vô đối" gia nhập quân đội Nga

10:40, 11/01/2016
|

(VnMedia) - Lực lượng Vũ trang Nga sẽ tiếp nhận lô đầu tiên của hệ thống tên lửa  phòng không mới nhất Buk-M3 trong năm 2016. Đó là thông tin vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Sergei Shoigu đưa ra tại phiên họp triển khai kế hoạch quốc phòng của Nga năm 2016.

“Nhiệm vụ trong năm 2016 là cung cấp cho quân đội lô tên lửa phòng không Buk-M3 đầu tiên”, Bộ trưởng Shoigu nói.

Ông cũng cho biết, 6 tiểu đoàn bộ binh Nga sẽ được thay thế các xe tăng và phương tiện chiến đấu mới trong năm 2016, trong khi hơn 200 máy bay hiện đại hoá sẽ được bàn giao cho lực lượng hàng không – vũ trụ và hải quân.

Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch tái vũ trang cho 5 trung đoàn phòng không các hệ thống tên lửa S-400 và tiếp tục thành lập Hệ thống Không gian thống nhất, chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động trên không gian vũ trụ của Nga và khởi đóng một tàu vũ trụ nữa cho hệ thống này vào năm sau.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk-M3 là một phiên bản hiện đại hoá của Buk-M2 với nhiều tính năng điện tử hiện đại và đã được thay đổi tên lửa mới. Khả năng bắn trúng mục tiêu của Buk-M3 đã được tăng lên 99% và tầm đánh chặn đã tăng từ 25km lên 70km.

Tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay, cánh cố định, máy bay tàng hình và máy bay không người lái. Tổ hợp tên lửa Buk-M3 được phát triển bởi Viện nghiên cứu mang tên Tihomirova.

Theo một số tài liệu, cũng giống như các biến thể Buk trước đó, cấu trúc của mỗi tổ hợp tên lửa Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, xe radar, xe vận chuyển-phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn.

Tuy nhiên, so với các biến thể tiền nhiệm và đặc biệt là so với Buk-M2 – biến thể hiện đại nhất đang được sử dụng trong lực lượng phòng không Nga và một số quốc gia thì Buk-M3 vượt trội hơn do có khả năng mang được nhiều tên lửa hơn trên bệ phóng.

Trong đó, Buk-M3 sử dụng thiết bị xe phóng tự hành 9A317M có thể mang 6 tên lửa trên bệ phóng-vận chuyển với một radar mạng pha đa chức năng của công ty Avtoritet. Thiết bị xe phóng chấp hành 9A316M của tổ hợp tên lửa Buk-M3 có thể mang tới 12 tên lửa trên bệ phóng, trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng và 6 tên lửa dự trữ trên khay giữ ngay dưới bệ phóng.

Buk-M3 được trang bị loại đạn tên lửa 9M317M, biến thể hiện đại hóa của tên lửa 9M317 được Viện nghiên cứu khoa học NIIP phát triển cho cả lục quân và hải quân Nga . Tên lửa 9M317M được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, tên lửa đường đạn (chiến thuật, chiến lược); máy bay và trực thăng kể cả trong môi trường bị nhiễu mạnh.

Đạn tên lửa 9M317M sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 5,08 m, đường kính 0,36 m và sải cánh 0,82 m. Tên lửa mang đầu đạn nặng 62kg và áp dụng phương thức nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu.

Nga triển khai robot chiến đấu hiện đại

Trong một diễn biến khác, Quân đội Nga đang hoàn thành việc phát triển hàng loạt các loại Robot chiến đấu làm các nhiệm vụ như tuần tra, cứu hoả và tấn công nhằm tối ưu hoá khả năng tác chiến, chiến đấu của lực lượng vũ trang. Theo dự kiến, lô robot chiến đấu này sẽ được biên chế cho lực lượng vũ trang Nga trong năm 2016.

Thượng tướng quân đội Nga, Pavel Popov trong một cuộc phỏng vấn tờ Krasnaya Zvezda ngày 6/1 cho biết: “Các hệ thống robot quân sự hiện đại đang được hoàn thiện theo kế hoạch. Một vài trong số này sẽ được bàn giao cho quân đội vào năm 2016”.

Trong thập kỉ tới, các hệ thống robot điều khiển từ xa được cho là sẽ chiếm tới 30% lực lượng chiến đấu của Nga. Trong triển lãm quân sự Army-2015, Nga đã trình làng nhiều loại robot tiềm năng, làm các nhiệm vụ như tuần tra, cứu hoả và tấn công.

Một trong những robot mới nhất của Quân đội Nga được sử dụng với mục đích tuần tra và tấn công là Platform-M. Robot này được cài đặt để điều khiển từ xa, di chuyển trên khung gầm bánh xích và có trang bị súng phóng lựu và súng trường Kalashnikov. Các vũ khí của Platform-M có thể chỉ dẫn, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tiêu diệt mục tiêu theo hệ thống kiểm soát tự động hoặc bán tự động.

Trong khi đó, Uran-6 là mẫu robot dò mìn đa nhiệm nhằm loại bỏ các chất nổ như mìn do đối phương triển khai hoặc sau chiến tranh để lại, có thể thay thế 20 lính công binh và điều khiển được từ khoảng cách an toàn khoảng 1km. Nó có khả năng xác định và phá huỷ những quả mìn có sức công phá tương đương 60 kg thuốc nổ TNT, mỗi giờ có thể di chuyển khoảng cách 1.000m, quét sạch bãi mìn rộng 2.000 m2.

Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu thử nghiệm - thiết kế chế tạo máy ứng dụng công nghệ robotist và điều khiển học Nga đã phát triển tổ hợp robot quân sự Argo. Tổ hợp Argo được điều khiển từ xa.

Argo có mục đích yêu cầu tiến hành các hoạt động trinh sát hỏa lực, yểm trợ lực lượng đổ bộ. Xe được trang bị vũ khí để tiêu diệt binh lực, phương tiện chiến đấu của đối phương. Ngoài ra, robot Argo còn thực hiện nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ.

Argo nặng khoảng một tấn, chiều dài 3,4 m, rộng 1,85m cao 1,65 m. Trên đất liền xe có thể chạy đến tốc độ khoảng 20 km/h, lội nước với tốc độ 4,6 km. Dự trữ thời gian hoạt động 20 giờ.


Ý kiến bạn đọc