Putin bất ngờ thừa nhận thấm "đòn đau"

07:15, 12/01/2016
|

(VnMedia) - Tổng thống Vladimir Putin hôm qua (11/1) đã bất ngờ thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Bild của Đức rằng, các biện pháp trừng phạt về kinh tế của phương Tây đang ảnh hưởng nặng nề đến Nga.

Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

"Liên quan đến các khả năng của chúng tôi trên thị trường tài chính quốc tế, những đòn trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến Nga”, ông Putin cho biết trong một cuộc trả lời kéo dài. Ông chủ điện Kremlin miêu tả các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) là “một màn kịch lố bịch và ngớ ngẩn”.

Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, “tổn hại lớn nhất hiện nay đối với Nga lại gây ra từ sự sụt giảm của giá năng lượng”, tờ Bild cho biết.

"Chúng tôi đã phải chịu những mất mát về doanh thu đầy nguy hiểm khi xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong khi đây là những mặt hàng có thể bù đắp một phần cho những tổn thất ở các ngành khác”, ông Putin thừa nhận.

Sau lời thừa nhận bất ngờ trên, Tổng thống Nga nhanh chóng tự tin cho biết, "nhưng toàn bộ quá trình này cũng có khía cạnh tích cực: Nếu bạn kiếm được quá nhiều đồng đô la từ xăng dầu như đã từng có được và bạn có thể mua được bất kỳ thứ gì bên ngoài, điều đó sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển ở đất nước của bạn".

Ông Putin nhấn mạnh, Nga hiện đang “dần ổn định nền kinh tế của mình. Năm ngoái, GDP nội địa của Nga đã giảm 3,8%. Lạm phát vào khoảng 12,7%. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn tích cực. Lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng tôi xuất khẩu nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn và chúng tôi đang có hơn 300 tỉ USD dự trữ vàng”.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu quyết liệt theo đuổi con đường trừng phạt Nga. Đặc biệt, sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, phương Tây đã tung ra nhiều biện pháp trừng phạt mạnh tay, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Nhiều nước Châu Âu hiện không còn muốn trừng phạt Nga. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 12 vừa rồi, EU đã quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa với lý do Moscow không thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hòa bình Minsk.


Ý kiến bạn đọc