Người Nga nơm nớp lo chiến tranh

10:09, 15/01/2016
|

(VnMedia) - Những ngày đầu năm mới 2016, người dân Nga luôn ở trong tâm thế nơm nớp, lo âu về viễn cảnh khả năng bùng phát một cuộc xung đột toàn diện với Mỹ, khi hai bên đang đối đầu với nhau quyết liệt trong một loạt vấn đề.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ông Magomed Tolboev – một cựu phi công lái máy bay ném bom thời Xô-viết, cho biết, ông cảm thấy mối quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện tại đang ngày một tồi tệ đi và thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Trước đây, ông Tolboev từng được đào tạo rất nghiêm ngặt cho nhiệm vụ xoá sổ một căn cứ không quân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tấn công hạt nhân.

"Thời Chiến tranh Lạnh còn có một kiểu trật tự dễ đoán. Hai phe, hai nhà lãnh đạo và tất cả mọi người phụ thuộc vào họ. Hiện tại, có quá nhiều người chơi khác nhau, nhiều trong số đó không bị kiểm soát bởi ai cả" như Triều Tiên hay là nhiều phe nhóm đang tìm kiếm vị trí thống trị ở Syria. “Vì thế, chúng ta không chỉ có mối quan hệ căng thẳng ngày một nghiêm trọng giữa Moscow và Washington mà còn có cả sự bất hoà nhiều bên rất phức tạp. Đó là một điều thật sự đáng lo ngại”, ông Tolboev nói thêm.

Nỗi quan ngại của ông Tolboev là nỗi quan ngại chung của nhiều người dân Nga. Họ nói rằng, đây là lần đầu tiên kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ cách đây 25 năm, họ cảm thấy bóng mây của chiến tranh đang tụ lại. Những người Nga nhiều tuổi cho biết, họ đã trải qua chiến tranh và có thể chịu đựng thêm một lần nữa nhưng những người trẻ ở Nga dường như lo lắng hơn.

Và mặc dù nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ chưa quay trở lại nhưng chiến tranh nóng đang trở thành “món ăn chính” mà chúng ta phải đón nhận thường xuyên trên các bản tin thời sự hàng đêm. Nước láng giềng Ukraine đang bị chia cắt và tàn phá chỉ trong hai năm diễn ra nội chiến và Nga đã tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Điện Kremlin bị cáo buộc tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine. Nga cũng đang tham chiến chính thức ở Syria. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người Nga phần đông ủng hộ chiến dịch của nước họ ở Syria nhưng cũng nhiều người bày tỏ quan ngại về hành động quân sự đầu tiên ở bên ngoài của Nga kể từ sau khi nước này phải hứng chịu cuộc chiến tranh thảm hoạ kéo dài 9 năm ở Afghanistan thời Liên Xô.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc máy bay ném bom của Nga gần biên giới Syria, một cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước đã bùng lên và làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến rộng hơn sẽ nổ ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo các thành viên NATO của họ.

"Tôi cảm thấy sợ mỗi lần bật TV lên. Theo dõi tin tức, tôi không thể có được bất kỳ cảm giác lạc quan nào”, bà Natalya Knorre, sống ở thủ đô Moscow, cho hay.

Có một số người chỉ trích cho rằng, tinh thần chống Mỹ ở Nga là kết quả của một chương trình tuyên truyền rộng khắp và một số người Nga tin rằng tinh thần đó chỉ là bề ngoài. "Tôi không cảm thấy mình có một chút cảm giác chống Mỹ nào và tôi không cũng thấy điều đó ở những bạn bè của mình”, Nadezhda Mamonova – một nhân viên văn phòng ở Moscow, cho hay.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có một sự thay đổi đáng kể trong thái độ cơ bản của người Nga trong hơn 1/4 thế kỷ qua. Theo một cuộc thăm dò của VTsIOM năm 1990, 35% người Nga nghĩ rằng, Mỹ là quốc gia “thân thiện”. Tuy nhiên, con số này chỉ còn 3% trong cuộc thăm dò tương tự được thực hiện vào năm ngoái. Chỉ có 2% người dân Nga xem Mỹ là “kẻ thù” vào năm 1990, nhưng hiện tại, có đến 59% người Nga nghĩ như vậy.

Một số người cho rằng, báo chí Nga đóng một phần trong sự thay đổi đáng lo ngại nói trên nhưng nhiều người khẳng định, chính những tuyên bố thường xuyên được giới chức NATO và Lầu Năm Góc đưa ra về việc Nga là “một mối đe doạ hiện hữu” mới là nguyên nhân dẫn đến tinh thần chống Mỹ đẩy cao ở xứ sở Bạch Dương.

"Tôi không biết họ nghĩ gì khi họ đang gõ chiêng gõ trống về ‘mối đe doạ Nga’ và tuyên bố cần phải tăng cường lực lượng NATO ở Châu Âu... Có lẽ, họ nghĩ điều đó sẽ làm người Nga hoảng sợ, nhưng thực tế những thứ kiểu như vậy không có tác dụng từ thời Xô-viết. Vậy tại sao họ lại cứ tiếp tục làm điều đó”, ông Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị độc lập ở Moscow, đặt câu hỏi.

Ông Tolboev cho rằng, giới lãnh đạo cần phải khẩn cấp học lại lịch sử thời Chiến tranh Lạnh. "Điều  mấu chốt ở đây là Mỹ và Nga là hai nước quyết định bầu không khí trên toàn cầu. Họ chia sẻ trách nhiệm như họ đã làm trước đây và cần ngồi lại, đàm phán một cách để có thể chung sống với nhau cũng như cùng nhau kiểm soát tất cả những cuộc khủng hoảng không thể tránh được. Mọi thứ phụ thuộc vào điều đó”.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sau đó là vấn đề Syria đang chứng kiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ “lao dốc không phanh”, đẩy mối quan hệ này xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới.


Ý kiến bạn đọc