Nga, Ukraine tiếp tục "cuộc chiến" cay đắng không hồi kết

09:05, 02/01/2016
|

(VnMedia) - Ngay đầu năm mới, Nga và Ukraine tiếp tục “tung đòn” vào nhau, đẩy “cuộc chiến” cay đắng giữa hai nước láng giềng thân thiết một thời vào tình trạng thêm bế tắc và không có hồi kết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào ngày hôm qua (1/1/2016), đúng thời điểm Moscow bắt đầu thi hành lệnh cấm vận lương thực đối với Kiev. Đây thực chất là cuộc đối đầu “ăn miếng trả miếng” giữa Nga và Ukraine. Đòn đáp trả của Moscow sẽ khiến Kiev buộc phải thay đổi lại mô hình kinh tế của nước này.

Thỏa thuận thương mại tự do giữa Ukraine và EU là một phần trong Thỏa thuận Hợp tác lớn hơn giữa hai bên. Thỏa thuận này được ký kết hồi cuối tháng 6 năm 2014 và nó đã trở thành nguyên nhân chính đẩy mối quan hệ giữa Nga và Ukraine thêm xấu đi một cách trầm trọng. Moscow không tránh khỏi cảm giác tức giận khi chứng kiến nước láng giềng Ukraine mà họ từng bao bọc, nâng đỡ nhiều thập kỷ nay chạy sang “chiếc ô” che chở của phương Tây, quay lưng lại với họ.

Ukraine vốn có nền kinh tế mà thị trường được định hướng về phía Nga. Tuy nhiên, giờ đây, Ukraine sẽ phải thay đổi để điều chỉnh sao cho thích hợp với thị trường Châu Âu và tuân thủ các quy định của thị trường này.

"Thỏa thuận sẽ góp phần hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế Ukraine, tạo thêm độc lực và sự kích thích cho Ukraine tiến hành cải cách”, Ủy ban Châu Âu đã nói như vậy trong một tuyên bố được phát đi hôm 31/12.

Brussels cũng cho rằng, thỏa thuận hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.

Con đường để Ukraine phê chuẩn Thỏa thuận Hợp tác với EU đã vấp phải nhiều trở ngại. Hồi tháng 11 năm 2013, Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovych đã đột ngột hủy bỏ việc phê chuẩn thỏa thuận này để hướng tới mục tiêu xây dựng một mối quan hệ gắn bó hơn, tốt đẹp hơn với Nga. Tuy nhiên, động thái của ông Yanukovych đã châm ngòi cho một làn sóng biểu tình trào dâng, nhấn chìm chính quyền của ông này và gây ra cuộc xung đột vũ trang thảm khốc, đẫm máu ở miền đông Ukraine, khiến hơn 9.000 người mất mạng.

Nga tung đòn trả đũa

Lo ngại thỏa thuận thương mại tự do giữa Ukrainev và EU sẽ gây ra tình trạng hàng hóa Châu Âu ồ ạt đổ bộ vào thị trường Nga một cách không kiểm soát, Moscow đã tung ra các biện pháp trả đũa, trong đó có việc ngừng thỏa thuận thương mại tự do với Ukraine và cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine. Những biện pháp này chính thức được áp dụng từ ngày hôm qua (1/1).

Đòn trả đũa của Nga được đánh giá là sẽ gây tổn thất lớn cho Ukraine. Thủ tướng Arseny Yatsenyuk ước tính, Ukraine sẽ thiệt hại khoảng 600 triệu USD.

Tổng thống Petro Poroshenko trước đó hồi đầu tháng này đã thừa nhận, đòn đáp trả của Nga sẽ gây “tổn thất lớn” đến nền kinh tế Ukraine nhưng ông này tuyên bố “sẵn sàng trả cái giá đó” và sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực nhằm đưa Ukraine gia nhập vào khu vực thương mại tự do của Liên minh Châu Âu.

Ông Poroshenko đã chỉ trích lệnh cấm vận của Nga ngay trong bài phát biểu đầu năm mới, nói rằng Moscow đang cố bóp nghẹp nền kinh tế Ukraine.

"Việc Moscow đóng cửa thị trường đối với các hàng hóa của Ukraine là một cuộc tấn công rất mạnh về kinh tế và đó là một phần khác của cuộc chiến tranh nhằm chống lại chúng tôi”, Tổng thống Poroshenko đã phát biểu như vậy.

Kiev đã thề sẽ đáp trả lại Nga bằng những biện pháp của riêng mình và nước này được cho là sẽ thông báo một danh sách những sản phẩm Nga cấm được vào thị trường Ukraine trong tương lai gần.

Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.

Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.


Ý kiến bạn đọc