Mỹ, Trung khẩu chiến dữ dội

10:51, 28/01/2016
|

(VnMedia) - Giới chức cấp cao của hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc hôm qua (27/1) đã khẩu chiến gay gắt về cách thức xử lý vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, cũng như việc làm dịu căng thẳng ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi đã có cuộc gặp gỡ kéo dài suốt hơn 4 giờ đồng hồ, và được miêu tả là “mang tính xây dựng” cũng như “chân thành”. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau đó, cả hai nhà ngoại giao trên đều đưa ra những lập trường thể hiện sự mâu thuẫn sâu sắc.

Ngoại trưởng Kerry thừa nhận rằng, “sự khác biệt giữa chúng tôi sẽ tiếp tục thử thách chúng tôi”. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh đến lợi ích của thế giới khi Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay hợp tác với nhau trong các vấn đề, trong đó có thoả thuận hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu.

Đề cập đến Triều Tiên, Ngoại trưởng Kerry nói rằng, Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động để “áp đặt các biện pháp trừng phạt mới” đối với Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân mà nước này vừa tiến hành mới đây. Các biện pháp trừng phạt mới phải gia tăng được sức ép để Triều Tiên phải quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân.

"Trong những năm qua, đã có rất nhiều cuộc thảo luận, đàm phán về Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng, đây là thời điểm để hành động nhằm đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán”, ông Kerry nhấn mạnh.

Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang nói, Bắc Kinh nhất trí về sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp mới nhưng không ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng dù lên án vụ thử hạt nhân mới nhất. Phản ứng này của Trung Quốc là dễ hiểu bởi nước này vốn là đồng minh quan trọng nhất, thân thiết nhất và cũng là đối tác thương mại lớn và là nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên.

"Giải pháp mới không nên làm leo thang căng thẳng tình hình”, ông Wang nói thêm.

Cuối ngày hôm qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Samantha Power đã phát biểu với giới phóng viên rằng, các nước “cần phải đẩy mạnh tiến trình” đàm phán một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên.

Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, chính các biện pháp trừng phạt đã mang Iran đến bàn đàm phán hạt nhân. "Những biện pháp trừng phạt lớn hơn, gây ảnh hưởng mạnh hơn đã được áp đặt nhằm vào Iran dù Iran chưa có vũ khí hạt nhân như Triều Tiên. Tất cả các nước, đặc biệt là những nước đang tìm kiếm một vai trò lãnh đạo toàn cầu, hay là đang có vai trò lãnh đạo toàn cầu, đều phải có trách nhiệm giải quyết mối đe doạ đó”, ông Kerry phát biểu, ám chỉ đến Trung Quốc.

Theo lời ông Kerry, Trung Quốc là mối dây kết nối chính của Triều Tiên với thế giới bên ngoài và Trung Quốc có thể làm được nhiều hơn để hạn chế những giao dịch xuyên biên giới đang làm lợi cho Nhà lãnh đạo Triều Tiên và chính quyền Triều Tiên.

Ngoại trưởng Wang tỏ ra không thoải mái khi Mỹ thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc chưa làm hết sức như có thể trong vấn đề Triều Tiên bởi Bắc Kinh được xem là nước duy nhất có ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. Ông Wang nhấn mạnh, lập trường của Trung Quốc là kiên định trong vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên và ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay lập tức các hoạt động cải tạo, bồi đắp trái phép trong khu vực bởi đó là những bước đi đang gây lo ngại, bất an cho các nước láng giềng nhỏ bé xung quanh.

"Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm được một lập trường chung giữa các nước có tranh chấp và tránh làm leo thang căng thẳng cũng như vòng xoáy bất ổn gây ra từ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau", ông Kerry cho biết.

Ông Wang phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ chẳng làm gì khác ngoài việc “bảo vệ chủ quyền”. Ông này cũng bác bỏ những chỉ trích của cộng đồng quốc tế cho rằng Trung Quốc chẳng quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các cuộc tranh chấp hay đang quân sự hoá khu vực.

Tuy nhiên, những gì xảy ra trên thực tế đang chứng minh ngược lại với những gì Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra ở trên.

Trung Quốc trong thời gian gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối và đáp trả một cách quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc đang nhăm nhe ý định biến Biển Đông thành “ao nhà”. Đây là điều mà cộng đồng thế giới không thể cho phép.

Mỹ tuyên bố, nước này không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng họ có lợi ích an ninh quốc gia ở đây và vì thế sẽ kiên quyết bảo vệ sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời khu vực. Mỹ mới đây đã đưa tàu khu trục mang tên lửa đến gần sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức tham vọng của cường quốc Châu Á này.


Ý kiến bạn đọc