Hệ thống phòng không của Nga khiến Mỹ, NATO "khiếp vía"

14:37, 15/01/2016
|

(VnMedia) - Quân đội Mỹ hiện đang lo ngại về việc Nga triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại tới Kaliningrad - khu vực nằm giữa Ba Lan và Lithuania, trong đó có bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York, Tư lệnh Không lực Mỹ tại châu Âu và châu Phi – Tướng Frank Gorenc đã mô tả động thái triển khai quân sự của Nga tới Kaliningrad là một diễn biến “rất nghiêm trọng”.

Mặc dù nói rằng người Nga “có quyền làm điều đó”, tuy nhiên ông nhấn mạnh Mỹ sẽ “tiếp tục giảm sát chặt chẽ” tình hình.

Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Tướng Frank Gorenko phát biểu: “Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nhưng thực tế Moscow có mọi quyền để triển khai hệ thống phòng không S-400 ở khu vực Kaliningrad”.

Trước đó, Tướng Gorenc đã từng đưa ra bình luận tương tự. Hồi tháng 12, ông nói với tờ Stars rằng, việc Nga đưa vũ khí tới Crimea và Kaliningrad đang là mối quan ngại số 1 của ông.

“Sự tinh vi và phức tạp của các hệ thống này, cũng như tính hiệu quả của chúng và cách mà họ (Nga) triển khai chúng tới các khu vực ‘nhạy cảm’ là vấn đề rất đáng quan tâm. Việc phổ biến và mật độ dày đặc của môi trường chống tiếp cận (A2/AD) là thứ chúng ta phải tính đến”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phía Nga lại khẳng định rằng động thái quân sự trên của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ phần chủ quyền của họ ở Biển Baltic trong bối cảnh khi mà lực lượng của Mỹ và NATO đang ngày càng hoạt động tăng cường trong khu vực này.

Thời gian gần đây, Nga cũng đã triển khai đáng kể lực lượng bộ binh tại Kaliningrad, bao gồm ba lữ đoàn lính thủy đánh bộ tinh nhệu và hai lữ đoàn súng máy cơ giới. Lực lượng bộ binh này được sự yểm trợ của lữ đoàn pháo binh hạng nặng trang bị nhiều hệ thống pháo phản lực đa nòng. Lực lượng không quân Nga do căn cứ không quân số 7054 đảm trách, được trang bị nhiều loại chiến đấu cơ bao gồm máy bay tiêm kích và trực thăng tấn công. Tổng cộng quân Nga đóng trú tại Kaliningrad hơn 10.000 quân.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.  
 
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
 
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
 
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
 
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
 
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
  
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
 
Hiện nay, lực lượng phòng không Nga đã triển khai nhiều trung đoàn tên lửa S-400 trên lãnh thổ nước này, trong đó có các trung đoàn được bố trí ở ngoại ô thủ đô Moscow, ở vùng Baltic thuộc Leningrad và ở khu vực Nakhodka thuộc vùng lãnh thổ Primorsky Krai, gần sát với phần lãnh thổ phía Đông Bắc của Trung Quốc và phía Bắc của Triều Tiên.
 
S-400 Triumph được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tên lửa phòng không của Nga trước năm 2020. 


Ý kiến bạn đọc