Cần uy thế của Nga, phương Tây làm lành với Putin?

07:17, 19/01/2016
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người đang nắm giữ chức Chủ tịch G7, vừa mới đây tuyên bố, ông muốn đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại nhóm để Moscow có thể giúp giải quyết một loạt cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Diễn biến này khiến người ta nghĩ rằng, phương Tây đang làm lành với ông Putin vì họ cần đến ảnh hưởng, uy thế và sức mạnh của Nga.

Thủ tướng Abe
Thủ tướng Abe

Ông Abe đã thể hiện mong muốn đưa Nga trở lại nhóm các nước G7 trong cuộc trả lời phỏng vấn hai tờ báo Nikkei và Financial Times số ra ngày hôm qua (18/1).

"Chúng ta cần sự tham gia có tính xây dựng của Nga. Tôi tin rằng, những cuộc đối thoại tích cực với Tổng thống Putin là rất quan trọng”, ông Abe phát biểu. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rằng, ông sẵn sàng đến Moscow hoặc mời Tổng thống Putin đến thủ đô Tokyo để hội đàm.

Ý định của ông Abe được đưa ra trong bối cảnh Washington và Moscow đang đứng ở hai bên đối lập nhau trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Syria, khi mà khu vực Trung Đông đang bị tàn phá bởi cuộc xung đột ở Yemen, cuộc đối đầu giữa Ả-rập Xê-út và Iran cũng như vô vàn các vấn đề khác.

Nga là đồng minh mạnh nhất của Iran và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga cũng là nước nắm giữ một chiếc ghế trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga còn được xem là nước đóng vai trò trung gian trong khu vực Trung Đông.

Nhóm nước G7 gồm các nước phát triển như Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ. Trước đây, nhóm này là G8, bao gồm cả Nga nhưng G8 đã quyết định loại Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Trong một đoạn trích dẫn từ cuộc phỏng vấn được đưa lên trang web của Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nói rằng, “với tư cách là Chủ tịch của G7”, ông này sẽ xem việc đến thăm Nga vào thời điểm này là thích hợp. Theo giải thích của tờ Nikkei, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hiện tại được hiểu là trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới.

Những phát biểu của ông Abe được đưa ra sau khi Nhà lãnh đạo Nhật Bản hôm 4/1 nói rằng cộng đồng quốc tế phải khuyến khích sự tham gia của Tổng thống Putin vào cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng ở Syria và mối quan hệ với Iran.

Ông Abe khi đó cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Putin về việc đạt được những tiến bộ trong giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga – một cuộc tranh chấp khởi nguồn từ những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nhật Bản và Nga chưa bao giờ chính thức ký một hiệp ước hòa bình vì cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan đến 4 hòn đảo của Nhật Bản bị quân đội Liên Xô chiếm giữ sau khi kết thúc chiến tranh.

Những phát biểu có tính ve vãn Tổng thống Putin của Thủ tướng Abe được đưa ra ngay sau khi Tokyo vừa ký một hiệp ước lịch sử với Hàn Quốc nhằm giải quyết một cuộc tranh cãi về việc Nhật Bản dùng nô lệ tình dục – một vấn đề còn tồn đọng chưa được giải quyết từ thời Thế chiến II.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nikkei-FT, Thủ tướng Abe nói thêm rằng, cộng đồng quốc tế nên lên tiếng chống lại việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang có một loạt các cuộc tranh chấp với các nước láng giềng Đông Nam Á xung quanh.

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, phương Tây “dàn trận” với nhau để loại bỏ Nga ra khỏi nhóm nước G8 – những nước phát triển hàng đầu thế giới. Phương Tây liên tục công kích, chỉ trích Nga đồng thời đe dọa sẽ tẩy chay Nga ra khỏi các hội nghị, tổ chức quốc tế quan trọng.

Ngoài đối đầu nhau trên mặt trận chính trị, ngoại giao và kinh tế, Nga và phương Tây còn “đấu” với nhau cả trong lĩnh vực quân sự. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, NATO đã liên tiếp gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga.


Ý kiến bạn đọc