Bại trận thê thảm, phe nổi dậy tuyệt vọng phá đám?

15:07, 28/01/2016
|

(VnMedia) - Trong khi các cường quốc đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán hoà bình sắp tới ở Thuỵ Sỹ thì một nhóm đối lập chính ở Syria đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng này. Phải chăng sau khi vấp phải những thất bại liên tiếp trên chiến trường, phe nổi dậy đang tuyệt vọng tìm cách phá hoại tiến trình hoà bình mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã gần 5 năm qua ở đất nước Trung Đông?

Cuộc chiến ở Syria đã kéo dài gần 5 năm qua nhưng người ta vẫn chưa thể nhìn thấy
Cuộc chiến ở Syria đã kéo dài gần 5 năm qua nhưng người ta vẫn chưa thể nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm"

Một nhóm đối lập chính ở Syria hôm qua (27/1) đã tuyên bố hoãn quyết định tham gia vào cuộc đàm phán hoà bình dự kiến diễn ra ở Thuỵ Sỹ vào cuối tuần này. Thông báo đầy bất ngờ trên được đưa ra khi mà các bên vẫn còn tranh cãi, mâu thuẫn gay gắt với nhau về việc những nước nào, lực lượng nào, thành phần nào được tham gia vào cuộc đàm phán. Đây là diễn biến đang đe doạ sẽ làm chệch hướng nỗ lực lớn nhất nhằm giải quyết cuộc chiến ở Syria.

Uỷ ban Đàm phán Cấp cao được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn đã được thành lập từ hồi tháng trước trong một nỗ lực nhằm đoàn kết các phe nhóm nổi dậy vũ trang khác nhau ở Syria. Uỷ ban này vừa có cuộc gặp ở Riyadh trong hai ngày qua để bàn bạc về quyết định có chấp nhận lời mời tham gia các cuộc đàm phán ở Geneva vào cuối tuần này hay không.

Ông Salem al-Meslet – phát ngôn viên của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao, cho biết, nhóm của ông không thể đưa ra quyết định cho đến khi nhận được câu trả lời từ phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura.

Uỷ ban Đàm phán Cấp cao nhấn mạnh, họ phải là phái đoàn đại diện duy nhất cho phe đối lập tại cuộc đàm phán sắp tới và muốn “làm rõ” điều này sau khi Liên Hợp Quốc phát giấy mời cho một số phe nhóm đối lập khác nữa.

"Việc chúng tôi đưa ra câu trả lời 'có tham gia hay không' phụ thuộc vào câu trả lời của ông De Mistura", phát ngôn viên Meslet đã trả lời như vậy trên đài truyền hình Al-Arabiya.

Tuy nhiên, ông Meslet nói thêm rằng, có một không khí “tích cực” tại cuộc họp ở Riyadh.

Cũng theo lời ông Meslet, Uỷ ban Đàm phán Cấp cao cũng cần phải làm rõ về việc cộng đồng quốc tế sẽ giải quyết các vấn đề nhân quyền trong cuộc đàm phán sắp tới.

Tiến trình đàm phán ở Geneva đã bị trì hoãn từ hôm thứ Hai (25/1) vì tranh cãi liên quan đến việc lực lượng nào sẽ đại diện cho rất nhiều phe nhóm đối lập đang chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại bàn đàm phán.

Thay vì diễn ra các cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt, các phái đoàn ở Geneva được cho là sẽ tham gia vào những cuộc đàm phán gián tiếp.

Giới chức cho biết, tiến trình đàm phán được khởi động vào cuối tuần này mới là lần đối thoại thứ hai giữa các phe nhóm ở Syria kể từ khi cuộc xung đột ở nước này nổ ra cách đây gần 5 năm. Tiến trình sắp tới dự kiến sẽ kéo dài trong 6 tháng với vòng đàm phán đầu tiên được cho là sẽ diễn ra từ 2 đến 3 tuần.

Áp lực quốc tế

Chính quyền Syria đã cử phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc - ông Bashar al-Jaafari là nhà đàm phán chính của họ. Các nhà ngoại giao, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã và đang gây áp lực đòi phe đối lập ở Syria phải đến tham dự tiến trình đàm phán ở Geneva. Ông Kerry đã có cuộc gặp với các thành viên của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao hồi cuối tuần vừa rồi.

Mỹ vốn ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và xem cuộc đàm phán lần này là sự khởi đầu của một tiến trình chuyển tiếp mà ở đó sẽ có sự ra đi của Tổng thống Assad. Mỹ đã kêu gọi phe nổi dậy tham gia vào các cuộc đàm phán ở Geneva.

"Chúng tôi tin rằng, phái đoàn của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao và các phe nhóm khác trong phe đối lập ưor Syria sẽ chớp lấy cơ hội lịch sử để đến Geneva và đề xuất những cách thức thực tế nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn, giải quyết vấn đề nhân quyền và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin. Và rằng họ nên làm như vậy mà không cần đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh.


Ý kiến bạn đọc