Nga quốc tế hóa S-400, Mỹ "mất ăn mất ngủ"

17:05, 21/12/2015
|

(VnMedia) - Tạp chí National Interest của Mỹ vừa đưa ra nhận định rằng, sự phổ biến rộng rãi của các hệ thống tên lửa phòng không như S-300 và S-400 Nga trên khắp thế giới có thể sẽ là thách thức lớn đối với không quân Mỹ và các nước đồng minh của nước này.

Tạp chí này viện dẫn việc Ấn Độ đang có ý định mua 5 tên lửa phòng không Almaz-Altey S-400 từ Nga, trở thành quốc gia nước ngoài thứ hai sau láng giềng “không đội trời chung” Trung Quốc sở hữu loại vũ khí này.

“Sự phổ biến của các loại vũ khí như S-300 và S-400 trên thế giới sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với Không lực Mỹ và các nước đồng minh”, tạp chí National Interest nhận định, đồng thời thêm rằng: “Cả hai đều có tính cơ động cao và có thể bảo vệ một khu vực rộng lớn. Việc điều động các máy bay chiến đấu thông thường tiếp cận một khu vực có tên lửa S-300 và S-400 là không thể”.

Vấn đề này theo thời gian sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi những quốc gia như Iran có thể sở hữu những loại vũ khí đáng sợ này, ông Dave Majumdar – biên tập phụ trách mục quốc phòng của Tạp chí National Interest nhấn mạnh, đồng thời cho biết, quốc gia Hồi giáo này đã mua về “một phiên bản tên lửa S-300”.

Tạp chí National Interest trích dẫn nhận định về hệ thống S-300 của một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết: “Chúng là thách thức lớn đối với các loại máy bay chiến đấu như F-15, F-16 và F/A-18. Không ai muốn lại gần nó”.

Ông này cũng cho rằng chỉ có những loại máy bay chiến đấu và ném bom tàng hình hiện đại nhất mới có cơ hội vượt qua các loại vũ khí trên.

“Chỉ có chiến đấu cơ F-22 Raptor, F-35 và chiến đấu cơ tàng hình B-2 Spirit mới có thể hoạt động trong khu vực được bảo vệ bởi các loại tên lửa trên của Nga. Nhưng chúng cũng có thể gặp khó khăn nếu đối đầu với một số lượng S-300 và S-400 lớn được bố trí thành một mạng lưới phòng không chắc chắn”, tạp chí trên kết luận.

Hệ thống S-3-00 và S-400 mạnh tới mức nào?

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới. 

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

S-400 Triumph được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tên lửa phòng không của Nga trước năm 2020. 

Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.

Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.

Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.

Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng.  


Ý kiến bạn đọc