Lãnh đạo thế giới họp bàn quyết định tương lai của hành tinh

12:28, 01/12/2015
|

(VnMedia) - Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Hollande cho rằng “COP21 quyết định tương lai của hành tinh..., là niềm hy vọng lớn lao mà chúng ta không có quyền dập tắt...”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP21 trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP21 trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: TTXVN)

 

Sáng ngày hôm qua (30/11) (theo giờ Paris), Lễ khai mạc Phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí  hậu (COP21) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Bourget, Paris, Cộng hòa Pháp. Tham dự có đại diện của 195 quốc gia thành viên Công ước, trong  đó có 130 nước dự ở cấp Tổng thống và Thủ tướng, cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Lãnh đạo cấp cao của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Cộng hoà Pháp Francois Hollande, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (Chủ tịch COP21) đều bày tỏ lo ngại sâu sắc về những tác động nghiêm trọng ngày càng  tăng của biến đổi khí hậu đối với hoà bình, an ninh và phát triển trên thế giới; khẳng định không một quốc gia nào trên thế giới có khả năng tự mình giải quyết, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết phải có một thỏa thuận toàn cầu, mang tính ràng buộc với tất cả các bên để ứng phó với những thách thức này. Tổng thống Pháp Hollande cho rằng “COP21 quyết định tương lai của hành tinh..., là niềm hy vọng lớn lao mà chúng ta không có quyền dập tắt...”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị “Paris phải là một  bước ngoặt” trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế cần “hành động nhanh hơn, tiến xa hơn” trong lĩnh vực này vì hoà bình, an ninh và thịnh vượng.

COP21 là một trong những Hội nghị đa phương toàn cầu lớn nhất trong năm 2015, được các nước và cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Đại diện 195 quốc gia thành viên tham dự sẽ nỗ lực trao đổi, đàm phán để khi kết thúc Hội nghị (dự kiến ngày 11/12/2015) sẽ thông qua Thỏa thuận Paris với những biện pháp cụ thể nhằm giữ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2oC vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Sau Lễ khai mạc trọng thể Phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), chiều 30/11 (giờ Paris), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể của Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nội dung Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu dự kiến được thông qua tại COP 21 cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và sự cân bằng giữa các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ; nhấn mạnh các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết, đồng thời tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh từ nay đến năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực.

Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đồng thời cam kết Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng cũng nêu rõ trong giai đoạn sau năm 2020, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực để triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua tại New York tháng 9/2015 vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu; đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển xanh, sạch cho các thế hệ mai sau.


Ý kiến bạn đọc